Uncategorized

Chiếc ghế trống trên chuyến tàu đi Valencia

Chuyến tàu sáng nay khởi hành từ Barcelona, chạy dọc theo bờ biển Địa Trung Hải và những nông trại bạt ngàn của vùng Catalunya, chỉ còn độ hơn giờ nữa sẽ đến ga Valencia. Hôm nay là ngày đầu tiên tôi bắt đầu có thời gian đi du lịch trở lại kể từ khi đại dịch bắt đầu. Bài nhạc của Thái Đinh chạy đều trong chiếc headphone, tôi vừa ngắm những ngôi làng nhỏ xinh ở Tây Ban Nha, vừa nghĩ về chiếc ghế trống bên cạnh mình. 

Nhìn chiếc ghế trống ấy, tôi nhớ về những lần có bà ngoại tôi ngồi ngay cạnh, đi chu du thăm thú đó đây cùng tôi. Nhớ cách bà đi nhanh và khoẻ hơn những đứa cháu trẻ, nhớ cách bà hay chê đùa các điểm tham quan hoành tráng rằng “thấy cũng bình thường mà”, chỉ để ngay sau đó đắm đuối nhìn cái cây là lạ bên cạnh. Hay là lần dẫn ngoại vào viện hải dương học, ngoại rất thích, kể tên vanh vách toàn bộ các loài cá, không quên kèm theo thông tin cá này nấu canh gì thì ngon. Tôi nhớ việc hai bà cháu hay bảo nhau rằng nhờ ngoại trẻ (bà ngoại chỉ hơn tôi 36 tuổi) nên sẽ còn nhiều năm đi du lịch cùng nhau. Vậy mà ngoại ơi, giờ ngoại có ngồi cạnh con đâu?

Lúc viết ra những dòng này, tôi khóc còn nhiều hơn lúc ngoại ra đi. Tôi còn nhớ như in ngày ấy. Nghe tin ngoại đã bắt đầu yếu đi nhiều, tôi đặt vội vé về Việt Nam để thăm ngoại. Sau vài tuần ngắn ngủi, chỉ vài hôm trước khi tôi phải quay lại Mỹ, ngoại cũng trút hơi thở cuối cùng. Ngoại chắc cũng đã tính trước, chọn thời điểm để có cơ hội để hai bà cháu tạm biệt nhau trực tiếp, nhưng không sớm hơn để không lãng phí từng giây phút quý báu. Ngoại là thế, lúc nào cũng nghĩ cho cháu và cho mọi người trước bản thân mình. Buổi sáng hôm ngoại ra đi, tôi nằm bên cạnh ngoại đến gần sáng. Mặc dù đã không còn phản ứng được với mọi người từ đêm hôm trước, đến 4h sáng, ngoại đưa tay vuốt má tôi và mỉm cười. Và đó là lần cuối cùng tôi nhận được sự yêu thương của bà ngoại. 

Qua 2 năm dài chống chọi với căn bệnh ung thư, cùng những ngày cuối đau đớn vô cùng tận, lúc ngoại ra đi tôi chỉ cảm thấy thanh thản cho ngoại. Sau đám tang, tôi tập trung vào công việc và gia đình nhỏ của mình để tập quen sống trong một thế giới khác — thế giới không còn ai thơm má tôi 1000 cái mỗi khi gặp mặt nữa. Rồi ngày này ngày nọ cũng trôi qua, tôi cũng nghĩ mình ổn, cho đến chuyến tàu hôm nay, khi tất cả mọi cảm xúc và hiện thực va chạm vào nhau trong cùng một giây phút.

Tháng 7 năm 2020, giữa mớ hỗn độn của đại dịch và chuẩn bị đi xin việc vì sắp hoàn thành chương trình tiến sĩ, thì tôi nghe tin ngoại bị ung thư giai đoạn cuối. Mặc kệ tất cả, tôi cuốn gói bay về Việt Nam để được ở bên cạnh ngoại. 10 tháng được ở với ngoại là quyết định đúng đắn nhất trong cuộc đời tôi, dù cho điều đó có nghĩa là tôi càng có nhiều kỉ niệm hơn để bây giờ phải đau đớn nhớ nhung. 

Tôi sẽ không bao giờ quên những buổi phỏng vấn xin việc lệch múi giờ, liên tiếp từ 8h tối đến tận 7h sáng hôm sau. Bà ngoại dù bệnh nhưng vẫn chuẩn bị cà vạt cho tôi trước mỗi buổi phỏng vấn, và mua sẵn đồ cho tôi ăn khi xong vào buổi sáng hôm sau. Có hôm tôi chạy ra lấy đồ khô thì đã thấy ngoại lui cui giữa trời nắng để lấy cho tôi. Khi tôi xin ngoại đừng làm nữa, ngoại nghiêng đầu cười và nói: “Ngày nào ngoại còn làm được cho tôi thì để ngoại làm.” Tôi lúc đó cũng thầm mong điều ước của ngoại thành sự thật, nhưng chẳng ít lâu sau đó thì ngoại không còn sức để cưng chiều tôi nữa.

Tôi không biết nỗi đau mất mát có khác nhau cho mỗi người hay không. Với tôi, sự mất mát không phải là nỗi đau to lớn, thường xuyên, mà là những giây phút “chợt nhận ra.” Sáng nay thay đồ vest đi làm, chợt nhận ra không còn ngoại khen cháu lên đồ đẹp trai nữa. Chiều nay ăn canh chua, chợt nhận ra sẽ không còn được ăn món canh chua ngoại nấu nữa.  

Và lúc này, trên chuyến tàu đi Valencia, nhìn chiếc ghế trống bên cạnh, chợt nhận ra khi con đã đủ tiền mua vé thì đã không còn ngoại đi cùng nữa.

Aug 31, 2022
CTV

Bình luận về bài viết này