Thời đi học ở VN, ngoài ý nghĩa lịch sử ra thì đối với học sinh tụi mình, ngày 30/4 còn có một ý nghĩa đặc biệt: 30/4 và 1/5 là 2 ngày nghỉ học liên tiếp để đi chơi! Giờ lớn lên và ở nước ngoài, cái ý nghĩa đặc biệt này đối với tôi rồi cũng đã bị tước đi mất, và 30/4 vẫn phải làm việc như thường.
Tôi tự hỏi mình người trẻ như tôi nên cảm thấy gì vào ngày 30/4.
Trân trọng thời bình? Tất nhiên – điều này là không thể chối cãi. Thế hệ chúng tôi đã được hưởng quá nhiều lợi ích do các thế hệ đi trước gầy dựng lên. Tuy nhiên, là những đứa trẻ lớn lên trong thời bình, dù có muốn đi chăng nữa, chắc người trẻ chúng tôi cũng không thể hiểu được ý nghĩa lịch sử của ngày này trọn vẹn theo đúng tầm cỡ của nó.
Tự hào dân tộc? Nếu hiểu điều này theo kiểu “Chúng ta tự hào rằng người Việt Nam ưu việt hơn những dân tộc khác.” – thì tôi sợ mình lại đang có suy nghĩ giống như “tư tưởng Đại Hán” (rằng người Hán tốt hơn mọi dân tộc khác) mà chúng ta vốn thường hay chỉ trích. Có thể không người Việt Nam nào nghĩ một điều cực đoan như thế, nhưng mỗi lần chúng ta cố gắng so sánh nước mình với nước khác bằng độ thông minh, số lượng huy chương Olympic quốc tế, hay tự hào “người gốc Việt làm được điều X”… phải chăng chúng ta đang ở khá gần những suy nghĩ về “độ ưu việt của người Việt”?
Tôi nghĩ có những thước đo khác – không phải độ thông minh hay độ thành công của các cá nhân người Việt – mà chúng ta có thể tự hào. Tính từ cái thời tôi sinh ra – mới hơn 20 năm trước – khi Việt Nam còn mới có điện đóm và sử dụng TV trắng đen, thì Việt Nam đã phát triển kinh tế thần kỳ và mức sống trung bình đã cải thiện đáng kể. Nói gì thì nói, tôi yêu 17 năm sinh ra và lớn lên, cùng những điều Việt Nam đã cho mình. Nhưng rồi nghĩ lại, còn nhiều điều đáng lo hơn là đáng mừng. Dạo gần đây, với vụ Formosa và cá chết, những mẩu tin trái chiều không rõ thực hư, và câu bình luận đáng quan ngại của vị thứ trưởng bộ TN-MT (“Em [phóng viên] hỏi câu đó làm tổn hại đất nước”), thì ai dù ở đâu làm gì cũng lo cho tương lai hơn là những gì đang đạt được ở hiện tại.
Có lẽ rằng, suy cho cùng thì chỉ còn lòng yêu thương đất nước mình là chân thật nhất. Sẽ có những người Việt tự hào và những người Việt chưa dám tự hào, nhưng tự hào hay không, chắc ai cũng thương nơi mình sinh ra và lớn lên. Thế nhưng, chẳng phải mỗi ngày chúng ta đều đã thương nước mình hay sao? Vậy thì chúng ta cần ngày 30/4 làm gì.
Mấy hồi giàn khoan HD 981 kéo vào VN, tôi cảm thấy bất lực vì mình không làm được gì. Lúc đó, tôi đã viết rằng điều tốt nhất người trẻ có thể làm cho đất nước là làm tốt nhất những điều bạn đang làm – học cho ra học, làm cho ra làm, nghiên cứu cho ra nghiên cứu. Thế rồi giàn khoan kéo ra, mọi thứ trở nên bình thường, và chắc mọi người trở về nhịp sống của mình; rồi lại có những thời gian bị lãng phí và những mục tiêu không được theo đuổi.
Hôm nay 30/4, suy nghĩ duy nhất của tôi chắc lại là người trẻ nên tiếp tục làm tốt nhất những điều bạn đang làm. – học cho ra học, làm cho ra làm, nghiên cứu cho ra nghiên cứu. Chúng ta không nên cần giàn khoan hay cá chết, hay một ngày 30/4 mỗi năm để nhắc nhở rằng chúng ta nên sống tốt, không phí hoài, và có mục đích.
Châu T. Vũ
Harvard, 30/4/2016
(Ảnh: Hang Rái, Ninh Thuận. Bản quyền ảnh: của bản thân.)
