Đời sống

Suy nghĩ về chuyện “tầm thường”

Gần đây mình có xem một bộ phim tên “”A Brilliant Young Mind”, trong đó có một trong những diễn viên nhí mà mình rất thích Asa Butterfield. Trong phim, cậu nhóc rất giỏi toán và đã được xem như thần đồng trong suốt cả cuộc đời. Tuy nhiên, khi có cơ hội tham gia đội tuyển toán quốc tế của Anh, một cô bạn mới quen đã nói ngay với cậu: “Ở đây, cậu không hề là […] nhà toán học giỏi nhất. Cậu chỉ là một đứa tầm thường đến mức đau đớn mà thôi.”

Screenshot 2015-10-16 01.34.15

Câu thoại này khiến mình phải suy nghĩ, vì trong cùng tuần này, hai bạn học sinh trẻ đã đến tâm sự với mình rằng các em ấy rất lo rằng bản thân không giỏi ở bất cứ điều gì cả.

Sự thật là, ngay cả lúc này, sống giữa một lũ bạn thần đồng ở Harvard, mình cảm thấy bản thân rất đỗi tầm thường. Có quá nhiều lần mình cảm thấy rằng mình không thể suy nghĩ nhanh bằng tụi nó, nói hay bằng tụi nó, thậm chí không sáng tạo trong nghiên cứu như tụi nó. Có quá nhiều lần mình cảm thấy bản thân thực sự không đủ giỏi và không đủ xứng đáng để đứng ở chỗ mình đang đứng.

Nhưng tự ngẫm lại thì đây đâu phải là lần đầu tiên mình cảm thấy tầm thường? Ngay từ ngày đầu tiên mình đi học cấp 3 ở trường phổ thông Năng Khiếu, là đứa từ dưới quê lên, mình cảm thấy tụi bạn trong lớp chuyên tin của mình đang dùng một ngôn ngữ mà mình không thể hiểu được. Ngay từ đầu, mình rất vất vả lắm mới đứng đâu đó ở mức trung bình của lớp. Lúc nhận lại điểm HK 1 năm lớp 10, mình còn nhớ mình đã gọi bố một cách rất sung sướng và nói “Ba à, con được đứng ngay giữa lớp!”

Rồi sau đó, mấy tháng đầu làm sinh viên ở Princeton, mình không thể không nghĩ rằng mình không thuộc về ngôi trường này. Đứa bạn ngồi đối diện có thể là một đứa huy chương IOI, hay một vận động viên có giải ở London Olympics, đứa có giải Tony khi còn trẻ, vâng vâng. Cho một thời gian dài, mình cứ tự hỏi rằng vì sao Princeton lại nhận một đứa tầm thường như mình ngay từ đầu.

Thực sự, mình đã mất một thời gian dài mới hiểu được rằng việc là một người “chỉ tầm thường” là một điều hết sức… bình thường.

Thực sự, mình đã mất một thời gian dài mới hiểu được rằng việc là một người “chỉ tầm thường” là một điều hết sức… bình thường. Chúng ta thường cảm thấy tự ti khi mình không nổi bật, mặc dù không ai hiểu rõ vì sao không nổi bật lại là xấu. Suy cho cùng, việc bạn chỉ là một người “tầm thường” chỉ có nghĩa là bạn là một người trung bình như mọi người. Chỉ có thế. Tầm thường không phải là xấu.

Đây là một sự thật rất đơn giản mà mọi người dễ quên đi khi được nuôi dạy và lớn lên trong một môi trường mà việc leo lên vị trí đầu của chiếc thang xã hội luôn được khuyến khích và khen thưởng. Từ khi còn rất nhỏ, trẻ em, dưới sự đánh giá của bố mẹ và xã hội, chỉ biết cố gắng để vào trường tiểu học tốt nhất. Sau đó vào trường trung học tốt nhất, trường đại học tốt nhất, rồi công việc tốt nhất, chương trình tiến sĩ tốt nhất, công việc trả lương cao nhất, v.v. Sau bao nhiêu năm cố gắng, dần dần chúng ta cảm thấy hài lòng với bản thân chỉ khi chúng ta đang giỏi hơn mức trung bình. Đây, đây là một suy nghĩ khá nguy hiểm.

Hè này, mình có 2 tháng sống cùng một gia đình người lao động ở Nhật Bản. Người okaa-san (mẹ) trong gia đình host là người chăm sóc sức khoẻ cho người già, như y tá. Ông otou-san (bố) giờ đã nghỉ hưu, thỉnh thoảng làm công việc xếp sách ở thư viện. Onii-san (anh) là thợ sửa ống nước, và vợ của anh ấy làm việc cho một tiệm nail. Tất cả mọi người đều sống dè dặt mới vừa đủ trang trải. Nhưng, không có một ngày trôi qua mà mình không có cảm giác là họ không vui vẻ hay không hài lòng với cuộc sống của mình.

Mình viết bài này không phải để thuyết phục mọi người rằng chúng ta có thể cảm thấy hạnh phúc mà không cần tiền hay sự thành công. Tất nhiên, từ góc nhìn của một nhà kinh tế như mình, thì mình thừa hiểu càng nhiều tiền sẽ càng mở rộng sự lựa chọn và khả năng tiêu dùng của chúng ta, khiến chúng ta hạnh phúc hơn. Tuy nhiên, ý của mình ở đây là, tất cả mọi người trong gia đình host của mình đã cố gắng hết sức của họ. Và một khi đã cố gắng hết sức, thì nếu “tầm thường” là kết quả đạt được, thì đó cũng không thành vấn đề.

Quay trở lại câu chuyện của mình ở Harvard. Sau 4 năm học đại học ở Princeton và một mùa hè ở Nhật Bản suy nghĩ thật nhiều về cuộc sống, mình đã học được cách chấp nhận sự tầm thường của bản thân. Nếu ai đó bảo mình “tầm thường một cách đau đớn” so với những người xung quanh, điều đó chỉ có nghĩa là mình hết sức may mắn để được làm việc cùng với những đồng nghiệp rất thông minh và nhiệt huyết.

Tất nhiên, “chấp nhận sự tầm thường của bản thân” không đồng nghĩa với “sẽ không cố gắng” nữa. Có một sự khác biệt giữa việc chấp nhận khoảng cách giữa bản thân và những người khác, so với việc chấp nhận khoảng cách giữa bản thân mình hiện tại và bản thân mình với đầy đủ những tiềm năng.

Tổng kết lại, đừng lo lắng nếu bạn cảm thấy mình quá tầm thường so với người khác. Hãy lo lắng khi bạn cảm thấy tầm thường so với khả năng còn có thể làm của bản thân. Để làm điều đó, mình có quan điểm mạnh mẽ rằng không ai nên cố gắng cân đo đong đếm mình với người khác, và hãy chỉ nên tập trung làm hết sức khả năng của chính mình.

Harvard, Oct 16, 2015.
Châu Thanh Vũ

3 Bình luận

  1. Em cảm ơn anh Vũ. Bài viết rất hay ạ.
    Em cũng mới trải qua cảm giác “tầm thường đến mức đau đớn” cách đây không lâu. Một lần là khi em thử sức với việc viết review phim điện ảnh, một lần là em thử sức với một dự án mới, một lần nữa là khi người bên cạnh nói với em là nếu em không thay đổi, đừng nói là giàu, còn tụt xuống dưới đáy xã hội nữa.
    Về cơ bản, em là một đứa mắc bệnh học sinh giỏi, khi còn nhỏ, em đã giành được những giải thưởng, vinh dự cao hơn những người xung quanh, nhưng rồi dần dần em có những thú vui ngoài học tập và mất dần ánh hào quang đó. Em mất rất nhiều năm và cả bây giờ vẫn cố gắng để chấp nhận mình chỉ là một người bình thường, có thể chỗ này mình tàm tạm, nhưng chỗ kia thì chả biết gì.
    Với những cái không thực sự quan trọng với em, em sẽ để nó trôi đi, còn những thứ quan trọng thì phải tự nâng cao bản thân.
    It’s better to be myself.
    Một lần nữa cảm ơn anh đã chia sẻ.

    Thích

  2. Cảm ơn anh vì bài viết.
    Em có thắc mắc chút về câu này:
    “Tất cả mọi người đều sống dè dặt mới vừa đủ trang trải. Nhưng, không có một ngày trôi qua mà mình không có cảm giác là họ không vui vẻ hay không hài lòng với cuộc sống của mình.”
    Có phải câu thứ hai dư một chữ “không” phải không anh?

    Đã thích bởi 1 người

Bình luận về bài viết này