Kinh tế Uncategorized

Công trình Nobel Kinh tế 2016: phiên bản dễ hiểu (phần 1)

Mùa xuân năm 2016, khi ngồi trong lớp của GS Oliver Hart và nghe ông giảng về “hợp đồng không hoàn chỉnh” (incomplete contracts), tôi đã không ngờ rằng đây là công trình đã mang lại cho ông giải Nobel chỉ vài tháng sau đó. Ông đã dạy bài này cho biết bao thế hệ nghiên cứu sinh tiến sĩ ở ĐH Harvard kể từ khi ông chuyển về trường hơn 20 năm trước, và công trình của ông cũng đã ảnh hưởng đến nghiên cứu của nhiều giáo sư trẻ sau này trong khoa cũng như toàn thế giới.

Chính GS Hart cũng thừa nhận, công chúng ngoài giới nghiên cứu hình như chưa bao giờ hiểu hay đón nhận nghiên cứu của ông cả, trừ một bài duy nhất ông nghiên cứu về việc tư nhân hóa nhà tù! Sẵn dịp công trình này được vinh danh ở giải Nobel năm nay, mình xin cố gắng giải thích công trình này của ông đến với mọi người.

Nhiều ví dụ trong bài viết này đã được đơn giản hóa đến mức tối đa, và có thể đã làm mất một phần kiến thức trong bộ nghiên cứu này. Những ai quan tâm xin hãy đọc 2 bài báo quan trọng Grossman and Hart (1986) và Hart (1988).

1 – Vì sao chúng ta quan tâm đến “Hợp đồng không hoàn chỉnh”?

Hãy nghĩ đến những trường hợp sau:

  • Bạn mua điện từ EVN. Giá sản xuất điện của EVN tùy thuộc vào lượng mưa (thủy điện) và giá than của thế giới (nhiệt điện). Nếu bạn biết năm tiếp theo, lượng mưa chỉ có thể là 36 ngày/năm hoặc 100 ngày/ năm, và giá than chỉ có thể là 40 đô/tấn hoặc 60 đô/tấn, từ đó bạn có thể tính giá thành sản xuất của EVN (vì chỉ có 4 trường hợp – mưa ít hoặc nhiều, giá than cao hoặc thấp), và từ đó ký hợp đồng với EVN theo dạng “Nếu mưa ít (nhiều) và giá than cao (thấp) thì tôi sẽ mua điện với giá x ( hoặc y hoặc z hoặc l, tùy thuộc)”. Tuy nhiên trên thực tế, sẽ có 1 tỉ trường hợp có thể xảy ra cho trời mưa, và 1 tỉ trường hợp có thể xảy ra cho giá than, bạn không thể nào viết hết từng ấy vào hợp đồng được. Vậy EVN nên bán điện theo giá nào? Bạn nên viết và ký hợp đồng kiểu gì?
  • Công ty sản xuất sữa Vinamilk và các trang trại bò sữa dựa vào nhau để sống: Vinamilk không thể sản xuất sữa mà không có bò sữa, còn Vinamilk mà không hoạt động thì các trang trại bò sữa cũng không nuôi bò làm gì. Vinamilk có nên sở hữu trang trại bò rồi thuê người dân làm hộ, hay nên ký hợp đồng với các hộ chăn nuôi, mỗi hộ sở hữu trang trại của riêng họ, ở ngoài?
  • Intel năm 1997 tách một phần sản xuất bộ vi xử lý của mình ra cho một công ty con (mà Intel hoàn toàn sở hữu) ở Costa Rica. Trong khi đó, cùng là đưa sản xuất ra nước ngoài, tại sao Nike và Apple lại ký hợp đồng với các công ty khác (mà mình không sở hữu) để sản xuất? (Antras 2008)

Câu trả lời của các câu hỏi này đều dựa trên nền tảng của công trình nghiên cứu về “Hợp đồng không hoàn chỉnh” của GS Hart và đồng tác giả. Ý tưởng quan trọng được nhấn mạnh trong tất cả các trường hợp này là bởi vì có quá nhiều chuyện có thể xảy ra trên thế giới, chúng ta không thể viết tất cả các tình huống vào hợp đồng được. Và, sự không hoàn chỉnh của hợp đồng có ý nghĩa rất quan trọng đối với hình thức sản xuất.

Thử xem xét câu hỏi Vinamilk nên mua sữa từ các hộ nông dân ở ngoài, hay mua luôn toàn bộ trang trại bò về cho mình rồi chỉ thuê người công dân làm công.

Trong môi trường sản xuất này, đầu tư bò sữa của người dân và đầu tư máy móc xử lý của Vinamilk đều quan trọng. Hơn nữa, những đầu tư này là đầu tư lệ thuộc quan hệ đặc biệt (relationship-specific investment), ví dụ như máy móc Vinamilk đầu tư chỉ có thể dùng để sản xuất sữa chứ không thể dùng để làm việc khác.

Giả như có một scandal sữa xảy ra, khiến giá sữa chua Vinamilk trên thị trường giảm. Lúc này, Vinamilk không thể mua sữa từ nông dân với cùng giá cả và số lượng như hợp đồng cũ nữa. Vì khi viết hợp đồng, cả 2 bên không thể lường được chuyện này, họ sẽ phải phân chia tài sản hoặc thương lượng lại hợp đồng mới.

Giả sử hợp đồng cũ ghi rằng: “Nếu hai bên không theo hợp đồng nữa, thì tài sản ai nấy giữ”.  Nghĩa là, Vinamilk sẽ giữ lại máy móc của mình, còn các hộ dân giữ lại bò. Thử tưởng tượng là máy móc của Vinamilk chỉ có thể dùng để sản xuất sữa, trong khi sữa của người dân có thể được dùng để bán cho người khác sản xuất phô mai. Do đó, khi scandal xảy ra, Vinamilk ở vị trí rất thất thiệt. Vinamilk sẽ mất rất nhiều nếu không sản xuất nữa, và chính vì thế công ty này sẽ muốn đưa một phần lợi nhuận của mình cho các hộ nông dân trong hợp đồng mới để năn nỉ họ tiếp tục sản xuất. Trong trường hợp “phân chia tài sản rõ ràng nếu hợp đồng chấm dứt” này, Vinamilk sẽ không dám mạnh dạn đầu tư ngay cả trước khi scandal xảy ra, vì đầu tư càng nhiều nghĩa là họ sẽ càng phải chịu thiệt khi hợp đồng chấm dứt.

Lưu ý rằng vấn đề này có thể được giải quyết nếu Vinamilk mua luôn cả trang trại bò: khi ấy công ty này không cần phải lo lắng về những khi phải thỏa thuận lại hợp đồng nữa. Đây là một ví dụ của hòa nhập theo chiều dọc (vertical integration), nghĩa là dù có gì xảy ra đi chăng nữa thì tất cả tài sản vẫn thuộc về sở hữu của một trong hai bên tham gia sản xuất. 

Hòa nhập theo chiều dọc không phải luôn luôn tốt, vì nó sẽ hạn chế đầu tư của một thể thức. Giả sử như Vinamilk sở hữu luôn các trang trại, và tổ chức các trang trại vận hành như một công ty con. Công ty này sẽ không có động lực để đầu tư nhiều nếu bị sở hữu hoàn toàn bởi Vinamilk. Nếu họ biết khi họ đầu tư bò sữa, những con bò này vẫn thuộc sở hữu của họ nếu họ chia lối với Vinamilk, thì họ sẽ đầu tư nhiều hơn.

Nói tóm lại, ý tưởng độc đáo của GS Hart ở đây là với hợp đồng không hoàn chỉnh, việc xác định quyền sở hữu cũng như hình thức phân bố sản xuất sẽ quyết định được lượng đầu tư vào sản xuất có phù hợp hay không. Tùy trường hợp mà các công ty sẽ quyết định nên tách các giai đoạn sản xuất ra các công ty độc lập nhau, hay đơn thuần chỉ phân đoạn sản xuất của mình ra công ty con.

Ở 2 bài viết tiếp theo, chúng ta sẽ xem xét những ví dụ và ứng dụng tiếp của nghiên cứu về “hợp đồng không hoàn chỉnh”.

 


Bài viết hôm nay là một phần trong loạt bài viết về công trình “Hợp đồng không hoàn chỉnh” (Incomplete contracts) của GS Oliver Hart (ĐH Harvard) thắng giải Nobel kinh tế năm nay. Bài thứ 2 sẽ được post trong vài ngày tới.

Châu Thanh Vũ.
Harvard, 10/13/2016

 

3 Bình luận

Bình luận về bài viết này