Thứ 2, ngày 1/10/2018, chắc sẽ là một ngày mà mình sẽ thường xuyên kể lại sau này. Đó là ngày mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế chọn cô Gita Gopinath, giáo sư tài chính quốc tế của Harvard, đồng thời là giáo sư hướng dẫn, “thần tượng nghiên cứu”, và là một trong những lý do lớn nhất mình quyết định đến Harvard 4 năm trước, làm Nhà kinh tế trưởng cho tổ chức này.
Hôm ấy mình vừa gửi email cho cô và 2 thầy khác để xin hẹn một cuộc gặp Hội đồng hướng dẫn để bàn về nghiên cứu của mình 2 năm tới, thì thầy Jeremy Stein (trưởng khoa) gửi thư thông báo đến cả khoa: “Trong trường hợp mọi người chưa đọc tin tức, Gita đã được chọn làm Nhà kinh tế trưởng của IMF. Chúng ta sẽ nhớ Gita và xin chào tạm biệt”. Lúc đó vừa vui cho cô, vừa buồn cho bản thân vì giáo sư hướng dẫn sắp ra đi, vừa bực bội vì không biết tại sao mình không được biết tin này trước dù là học sinh của cô. Ngày hôm sau, gặp tại văn phòng, cô mới giải thích rằng cô chỉ mới biết tin được chọn gần đây, và bị ra lệnh cấm không tiết lộ. (Vì đúng là có thể lợi dụng tin này để kiếm lời trên thị trường tài chính quốc tế.)
Dù gì đi nữa, có cơ hội làm việc với cô Gita cũng dạy cho mình được nhiều điều, từ học thuật đến cách thức làm việc. Những chủ đề nghiên cứu của cô rất rộng, từ vai trò của đồng đô la Mỹ trong nền kinh tế thế giới, thách thức của thị trường mới nổi, khủng hoảng nợ công ở châu Âu, cách “phá giá” để kích cầu nền kinh tế ngay cả khi tỉ giá bị ràng buộc (bởi vì là thành viên của một khối đồng tiền chung chẳng hạn),… Để tóm tắt được hết nghiên cứu của cô, chắc cần một bài dài khác.
Tuy nhiên, điều mà cô luôn làm là thách thức những ý kiến chủ đạo hiện tại, dù ý kiến đó có phổ biến tới đâu. Năm 2015, cô xuất hiện trước giới quan chức ngành Ngân hàng Trung ương khắp thế giới để phát biểu về đồng đô la trong nền kinh tế thế giới. Ở thời điểm đó, Fed đang có ý định nâng lãi suất, và chính quyền Mỹ sợ sự mạnh lên của USD sẽ gây ra giảm phát tại Mỹ. Tuy nhiên, phát biểu tại hội nghị, cô đã nêu ra rằng đồng USD mạnh lên sẽ ảnh hưởng rất ít tới Mỹ vì hầu hết thương mại (xuất lẫn nhập khẩu) của Mỹ đều được định giá bằng đồng USD, và giá cả thường “bị dính” ở mức ổn định 12-13 tháng. Ngược lại, đồng USD mạnh lên (các đồng khác yếu đi) sẽ có hiệu ứng gây ra lạm phát ngay tức thì đến các nước khác giao thương với Mỹ, kể cả Nhật Bản. Vai trò đặc biệt của đồng USD trong nền tài chính quốc tế là một trong số rất nhiều cống hiến nghiên cứu của cô Gita Gopinath.
Làm việc với cô chưa bao giờ dễ. Có lúc mình bay về Việt Nam vào mùa hè, đang ngồi trên máy bay qua Thái Bình Dương thì nhận được email công việc của cô, thế là phải lập tức làm việc ngay trên máy bay để khi vừa hạ cánh (lúc 2h sáng) có thể Skype ngay với cô. Những lần gặp cô trong văn phòng để nói về nghiên cứu của mình, cô thường nắm được điểm yếu của bài nghiên cứu của mình sau 10′ lắng nghe, trong khi đó là một vấn đề mà mình đã nghĩ mất vài tuần lễ.
Một điều mình cũng rất quý cô (cũng như các thầy cô khác ở Harvard) là rất thẳng tính trong nghiên cứu. Lúc nào cô thấy hay thì sẽ khen và động viên để mình làm ngay; cái gì cảm thấy dở sẽ cố gắng hỏi để mình phải suy nghĩ thêm. Cái gì không có triển vọng nữa thì cô không ngại nói rằng mình nên bỏ đi chủ đề đó. Có một lần trong văn phòng, sau khi nghe bài thuyết trình của mình trong seminar thiếu thuyết phục, cô nói thẳng ngay “You need to be more… scholarly!” (“Em cần giống một học giả hơn nữa”). Hôm đó rất buồn, nhưng từ đó mình có động lực để đào sâu hơn và kiếm thêm được nhiều bằng chứng hơn cho giả thuyết của mình.
Với sự bổ nhiệm của cô, mình sẽ “có vinh dự” là người học trò của hai nhà Kinh tế trưởng IMF (một thầy khác trong Hội đồng hướng dẫn của mình là thầy Kenneth Rogoff, cũng đã từng đảm nhiệm vai trò Kinh tế trưởng của IMF). Một điều thú vị là cô Gita, khi theo học PhD ở Princeton (từ lúc mình còn đang học lớp 1), thì cô là học trò của thầy Rogoff; và người còn lại là Ben Bernanke. Như vậy, theo một cách nào đó, mình có thể gọi Ben Bernanke là sư tổ (?), haha.
Không biết sau này mình có làm ra cơm ra khoai gì không, nhưng mình rất biết ơn về những cơ hội có được ở Harvard; được ở gần những con người mà nếu muốn gặp thì chỉ cách nhau một chiếc email. Cô Gita sắp đi, nhưng cũng đã trấn an rằng sẽ sẵn sàng Skype với mình từ Washington D.C. (trụ sở chính của IMF) khi mình cần. Thời gian vừa rồi mình đã “detour” một năm với kinh tế học hành vi (paper sắp xong). Cho năm tiếp theo, mình sẽ quay trở lại tài chính quốc tế với một vài dự án mà mình đang rất hứng thú.
Bây giờ chắp tay khấn vái trời phật cho cô Gita thành công ở D.C., còn các dự án của mình ra cơm ra khoai. 🙂
Harvard, 4/10/2018
CTV
Vu co the viet bai ve chu de : “vai trò của đồng đô la Mỹ trong nền kinh tế thế giới, khủng hoảng nợ công ở châu Âu” cho minh xem doc de hieu khong?
Xin cam on Vu!
ThíchThích