Vừa rồi, mình có viết một bài về những kinh nghiệm đi thực tập đăng trên Kênh 14. Sau bài viết, ý kiến phản hồi nhiều nhất của mọi người là mình nên dùng từ “xin việc” thay vì “tìm việc”. Như một chị người quen đã cho ý kiến rằng:
“Công việc không phải là đi xin, mà là đi tìm, đi ứng tuyển. Nói như vậy không phải để “chảnh” mà là đặt người đi tìm việc ở 1 vị thế khác. Không phải mình cần phải đi xin xỏ cầu cạnh ai, kể cả là thực tập sinh. Mình đi tìm việc, tức là mình biết mình muốn làm gì, mình cần làm gì [….].”
Trước hết, phải nói rõ rằng mình hoàn toàn đồng ý rằng từ “xin” có ngữ điệu không tốt, đặc biệt khi đặt vào môi trường hay xin xỏ tiêu cực của VIệt Nam. Do đó, mình hoàn toàn hiểu và đồng ý với những phản hồi của mọi người về cách dùng từ như trên.
Nhưng phải nói thêm một tí về việc viết bài cho các độc giả trẻ nói chung. Nếu ai theo dõi blog của mình thì chắc đều biết từ trước đến nay, mình luôn viết bài theo tư tưởng “Dream high, but keep your feet on the ground”. Do đó, phần lớn những bài viết của mình cho đến giờ cũng đều mang tính khích lệ, tạo động lực cho các bạn trẻ “Dream high” biết suy nghĩ mạnh mẽ và tin vào sự cố gắng của bản thân hơn. Tuy nhiên, song song với việc khích lệ, mình cũng luôn cố gắng kìm giữ cái tôi của các bạn trẻ ở mức thực tế – “keep your feet on the ground”. Chính vì lý do đó mà từ “xin việc” vẫn còn được dùng xuyên suốt bài viết của mình.
Hơn nữa, thực tế mà nói, bỏ qua những kiểu xin xỏ tiêu cực (xin xỏ bằng tiền bạc, bằng các mối quan hệ,…), thì hầu hết những công việc còn lại đều cần “xin”. Và “xin” không có một nghĩa gì xấu ở đây cả.
Mình được nhận vào chương trình PhD cũng là nhờ “xin” thư giới thiệu từ các giáo sư ở Princeton. Mình đến văn phòng của họ, trình bày nguyện vọng, nhờ họ viết hộ một lá thư. Đây không phải là “xin” ư? Để được đi thực tập ở Ngân hàng Trung ương Nam Phi, mình phải viết thư cho giáo sư, rồi cho khoa nghiên cứu ở Ngân hàng ấy, rồi xin tiền từ một Quỹ nghiên cứu của trường,… đấy không phải là “xin” ư? Tất cả đều là xin xỏ cả, và mình đều tự hào về điều này, vì để xin được những cơ hội trên, mình đều phải chứng tỏ với tất cả bằng khả năng và thành tích của bản thân.
Rõ ràng khi lên báo, mình đã có thể nhờ các báo viết “CTV tìm thư giới thiệu từ giáo sư X” thay vì “xin thư giới thiệu từ giáo sư X”. Cũng không có gì sai cả, nhưng ở một mức nào đó, sự khác biệt giữa “tìm” và “xin” chỉ mang tính ngữ nghĩa.
Bài viết lần này cũng thế. Mình cũng đã có thể thay tất cả “xin việc” thành tìm việc”, và ý nghĩa của bài viết vẫn hầu như được giữ nguyên.
Tuy nhiên, như đã nói, để giúp các bạn trẻ (1) giữ được cái tôi ở mức vừa phải, (2) nhận ra rằng thành công của mình vẫn phụ thuộc vào những cá nhân và cơ quan khác, và (3) còn nhiều việc thực tế khác các bạn có thể làm trước khi đào sâu vào phân tích ngữ nghĩa của từ vựng tiếng Việt, thì mình vẫn dùng từ “xin việc” như đã viết trong bài.
CTV
thank for you sharing!
ThíchThích