Gửi các bạn finalists của kì tuyển sinh UWC 2017,
Bình thường anh hay xưng “tôi” trong các bài viết của mình, nhưng vì đã được gặp và tìm hiểu các em trong suốt hơn 3 tháng qua, cho phép bài viết riêng này được xưng “anh” và gọi “các em”.
Có lẽ đối với các em, ban tuyển chọn là những người quyền lực, luôn ở đó để đánh giá và so sánh giữa các em với nhau. Trải nghiệm của các em với ban tuyển chọn UWC cũng hạn chế: không được nói chuyện với ban tuyển sinh trong 2 ngày đầu – cứ mỗi lúc nhìn lên là lại thấy các anh chị ghi ghi chép chép. Không biết các em như thế nào, nhưng 8 năm trước khi anh cũng đi thi UWC, anh cũng lo và không ngừng suy nghĩ: “Họ đang ghi cái gì? Họ có đang ghi nhận ý kiến đóng góp cho nhóm mà mình vừa nói không? Họ có đang thấy được con người thật của mình không?” Rồi đến vòng phỏng vấn cá nhân lại còn tệ hơn: bước vào trong một phòng kín chỉ một thân một mình, đối diện với 4 cựu học sinh UWC đã có tuổi đời và nhiều trải nghiệm, và phải cố hết sức để trả lời hết những câu hỏi vặn vẹo của 4 người này.
Well, chắc đó là từ cái nhìn của các em. Nhưng thành thật mà nói, làm trong ban tuyển chọn là một cái nghề cực kì nặng về mặt tinh thần. Làm trong ban tuyển chọn đúng là có quyền, nhưng đi đôi với cái quyền ấy cũng là một trách nhiệm. Trách nhiệm đó là sự đầu tư về mặt cảm xúc, mà cảm xúc ấy càng ngày càng sâu sắc hơn sau khi được gặp các bạn tận mặt, và nói chuyện một-một trong vòng phỏng vấn cá nhân.
Anh quen các em là tính từ tháng 10 năm 2016, khi cuối tuần là có hạn deadline phải hoàn thành một đống công việc cho giáo sư và một bài thi học kì, anh phải hoãn lại toàn bộ công việc để ra một quán cafe ở Boston để đọc hàng trăm hồ sơ của các em. Vì đang rất bận công việc, anh cảm thấy khá chán chường khi phải nhìn vào hàng trăm file hồ sơ mà mình phải đọc. Nhưng sớm thôi sau khi bắt đầu, anh đã bị cuốn hút vào những hồ sơ của các em. Từ trang đầu đến trang cuối, anh cố gắng hình dung ra một con người đầy đủ: các bạn là ai? các bạn thích làm điều gì? các bạn có giấc mơ, hoài bão gì? vv. Đôi khi có những bài essay lơ lửng – vừa đọc vào thì biết bạn là một con người rất sâu sắc, nhưng vì khả năng viết hạn chế nên không thể nào thấy hết được trên trang giấy – anh lại cảm thấy rất tò mò, muốn biết thêm, thêm nữa, thêm nữa. Do đó, khi được gặp các bạn trong phỏng vấn cá nhân, anh luôn muốn hỏi thêm, hỏi thêm nữa để đảm bảo là mình biết đầy đủ chân dung của các bạn.
Có thể là anh đang cố gắng làm tròn bổn phận của người tuyển sinh, nhưng cũng có thể anh chỉ là người thích nghe kể chuyện. Nhưng dù gì đi nữa, sau khi nghe những chia sẻ về việc muốn đi vòng quanh thế giới, muốn mở rộng tầm nhìn, muốn phát triển cá nhân, muốn đóng góp cho cộng đồng của các em, anh cảm thấy đã gắn bó hơn với các bộ hồ sơ này rất nhiều. Các em không chỉ còn là các hồ sơ được đánh số, mà là những con người mà anh rất quý trọng.
Sau vòng phỏng vấn, anh đọc lại một lần nữa hồ sơ của các em và tự hỏi: “Em này nếu có UWC thì sẽ như thế nào? Nếu không có UWC thì các em sẽ đi tiếp như thế nào? Các em liệu có thành công không? Làm sao để các em phát triển tốt nhất?” Rồi anh nghĩ, nếu chỉ đơn thuần làm tròn nhiệm vụ tuyển sinh cho UWC thì đã không phải nghĩ nhiều như thế. Nhưng vì đã gặp các em, vì đã nói chuyện với các em, vì đã được các em chia sẻ về điều mình mơ được làm, mọi thứ đã vượt qua giới hạn của một kỳ tuyển sinh, và anh quan tâm đến các em hơn là mức những thí sinh của phỏng vấn UWC.
Nói cheesy đến đây chắc đủ rồi. Bây giờ, mình hãy nói về đường đi ở phía trước của các em. Đối với các em đã/sẽ nghe tin được nhận vào UWC, các em sẽ có nhiều thời gian và cơ hội để nghe chia sẻ từ anh cũng như các anh chị học sinh UWC khác về phía trước.
Còn đối với các bạn không vào UWC lần này, như đã nói trong bài viết ở đây, việc đầu tiên cần làm là đừng nghĩ rằng mình không được nhận UWC vì mình kém hơn các bạn hay gì cả. Năm anh được nhận vào UWC, anh không hiểu (và đến bây giờ vẫn không hiểu) vì sao mình được nhận thay cho nhiều người mà anh thấy giỏi hơn mình rất nhiều. Sau đó, anh chỉ biết 2 điều: có nhiều bạn sau khi trượt UWC vẫn cố gắng tiếp tục và đi theo những con đường khác (có bạn được nhận vào Harvard), và là người được nhận, anh phải cố gắng tận dụng cơ hội của mình.
Sau khi các bạn đã tự thuyết phục được bản thân mình rằng mình cũng giỏi và có những thế mạnh riêng, và UWC chỉ không phù hợp cho mình, thì anh muốn nói lên một số điểm chung để các em xem xét và cân nhắc cho hành trình phía trước:
- Hãy ngồi xuống và nghĩ lại mình thực sự muốn làm gì.
Khi phỏng vấn, anh nhận ra rằng hầu hết các em (1) không biết mình muốn gì, hoặc (2) biết mình muốn làm một điều mà mình chưa biết gì về nó.Không ai bắt buộc các em, ở tuổi 15-17, phải cam kết với cuộc đời là mình sẽ trở thành bác sĩ, kỹ sư, hay giúp đỡ người nghèo trên thế giới gì cả. Trên thực tế, với sự thiếu trải nghiệm (đặc biệt khi học ở Việt Nam), các em sẽ không biết nhiều về hầu hết các ngành, do đó sẽ khó chọn được một điều mà mình thích.Tuy nhiên, dù không nên ép bản thân theo một con đường hẹp nào đó, anh nghĩ các em cũng nên ngồi xuống và suy nghĩ lại một định hướng chung. Định hướng chung này có thể là “mình muốn theo nghề nào đó mà không phải ngồi một chỗ, được tìm hiểu và giúp đỡ những thành phần dễ bị thương tổn trong xã hội”, hay “mình muốn nghiên cứu khoa học, nhưng không biết ngành gì”, vv.
Dù định hướng này rất chung, các em sẽ sớm thấy rằng nó có ích trong việc giúp bản thân mình tập trung vào những điều mình làm tốt và muốn làm, để lên những kế hoạch cụ thể hơn sau này.
- Nhận ra điều gì là thực sự quan trọng
Còn một chiêu nhỏ nữa: thử dùng 3 từ ngắn để mô tả những gì quan trọng đối với các em. Việc này sẽ khó hơn các em tưởng, nhưng chỉ khi làm được các em mới có một lối đi rõ ràng ở phía trước. (Của anh là, “gia đình”, “kinh tế”, rồi đến “âm nhạc”)Cái này cũng sẽ có ích để tránh bị lạc lối vào những lo lắng nhỏ hơn. Có những lúc các em sẽ quá tập trung vào điểm số. Rồi vào thành công ở cuộc thi này, cuộc thi kia. Rồi chuyện tình cảm. Rồi chuyện ăn uống. Nhưng trong mỗi lúc đó, nếu các em có thể nhanh chóng nhận ra cái gì thực sự quan trọng đối với mình, các em sẽ vượt qua được những lo lắng lặt vặt để đi tiếp nhanh chóng hơn. - Đừng ngại thử và sai.
10% kiến thức và kinh nghiệm có thể đến từ sách vở và các anh chị đi trước. Nhưng 90% còn lại (theo kinh nghiệm của bản thân) chắc phải do tự mình trải nghiệm.Có người bảo với anh rằng làm việc cho UN rất chán, và anh không tin mãi đến khi anh thực tập cho FAO (một tổ chức của UN) ở Ý. Rồi lại có người bảo với anh rằng học một lớp Tối ưu tuyến tính ở Princeton của GS. X kia rất chán, nhưng anh lại học và nhận ra đó là một trong những lớp mình thích nhất.Do đó, dù người khác có nói gì, những suy nghĩ chắc chắn nhất vẫn đến từ trải nghiệm bản thân. Và, là người trẻ, các em có quyền thử và sai nhiều nhất.
- Đừng làm gì chỉ để làm đẹp resume.
Vì các nhà tuyển sinh sẽ nhận ra ngay những điều em làm mà không thật sự yêu thích nó. Và cũng vì mỗi sáng các em sẽ thức dậy tự hỏi “Tại sao mình đang làm điều quái này?” - Nhưng cũng đừng tự ti khi làm đẹp resume.
Sẽ có những người chỉ trích rằng các em làm điều X và Y là để làm đẹp resume và vào đại học. Là người theo trường phái hiện thực, anh muốn các em không phủ nhận rằng mình cần phải có resume đẹp, và cần phải vào đại học để đi tiếp. Miễn là các em thật sự thích điều mình làm, lần tới có ai chỉ trích rằng mình đang cố gắng làm đẹp resume, hãy cứ nói, “Mình thích thì mình cứ làm thôi” (Sơn Tùng – 2016).Nói thêm cho các em được vào UWC: sẽ có những người khác ở UWC phàn nàn khi các em ôn thi SAT hay tập trung cải thiện điểm IB để vào đại học. Sẽ có người chỉ trích là các em đến UWC là để giao lưu văn hóa chứ không phải để học. Đúng là anh cực kì ghét những người chỉ đến UWC để vào đại học, nhưng học để mở ra các chương khác của cuộc đời khi cố gắng cân bằng cuộc sống UWC ở cùng lúc là một điều nên làm. - Giữ một điều gì để giúp mình không hóa điên
Tìm một đứa bạn thân. Xem một TV show yêu thích. Đọc một quyển truyện yêu thích. Chơi một nhạc cụ. Tập design. Bất cứ điều gì các em có thể làm để khuây khỏa. Để đi đường dài, các em cần điều này. - Tập viết
Nộp đơn đại học cần viết luận. Học đại học cần viết luận. Để debate tốt thì cần logic, mà cách luyện logic rõ ràng nhất là thông qua viết lách. Anh nghĩ đây là kĩ năng mà các bạn hiện nay đang thiếu nhất. Chỉ có viết, các bạn mới thấy được suy nghĩ của mình rõ ràng hơn, và nhìn thấy được sự phát triển của bản thân qua thời gian.
Nói tới đây hiện giờ đủ rồi. Chúc các em thành công trong con đường phía trước. Hãy luôn là những người muốn vươn lên, muốn giúp đỡ cộng đồng, muốn truyền cảm hứng cho các thế hệ đi sau như các em đã nói trong vòng phỏng vấn.
Dù không thể đảm bảo rằng anh sẽ trả lời lập tức vì kẹt thời gian, chỉ cần các em nhắn vào vuchaunt@gmail.com anh sẽ trả lời. (Hãy viết vào tựa đề #UWC17) Các em có thể hỏi và chit chat về bất cứ điều gì. Anh sẽ trả lời nhanh/chậm tùy vào độ gấp của chủ đề.
Chúc các em may mắn.
Thân,
Anh Vũ.
Cảm ơn anh vì những chia sẻ bổ ích, dành cho cả những bạn trẻ không nộp đơn UWC & vẫn còn loay hoay với những quyết định. Em đã đọc nhiều post trước của anh, em nghĩ là phần gạch dưới “bài viết ở đây” anh định link bài “Nhìn về phía trước” thay vì “A stranger in my permanent memory” chứ ạ?
ThíchĐã thích bởi 1 người