Cùng bắt đầu nhiệm kỳ Bí thư của một thành phố lớn một lúc, nhưng trải nghiệm 15 ngày đầu trong cương vị của ông Hoàng Trung Hải và ông Đinh La Thăng đã thực sự khác nhau. Ít ra, ấy là từ góc nhìn của dư luận. Trong khi Bí thư Thăng được dư luận hoan nghênh nhiệt liệt vì những chỉ đạo quyết liệt, cụ thể của mình thì Bí thư Hải lại “lãnh đạn” nhiều luồng ý kiến trái chiều cho phát biểu “thà nghèo nhưng yên bình còn hơn giàu mà không an toàn” của ông.
Thực ra ai nghĩ kĩ cũng có thể hiểu rằng ông Hải đang cân nhắc sự đánh đổi giữa tăng trưởng kinh tế và chất lượng cuộc sống. Sự đánh đổi này không phải lạ lẫm gì. Một số ý kiến thách thức rằng: “Chẳng lẽ chúng ta không thể giàu và bình yên hay sao?” Tất nhiên nếu trường hợp này là một lựa chọn khả thi, thì không ai dại gì không chọn cả. Nhưng ý của Bí thư chỉ là trên con đường phát triển, nếu phải chọn một trong hai trường hợp kém hơn thì ông sẽ chọn chất lượng cuộc sống thay vì tăng trưởng vội vã. Chúng ta thử giả sử ông nói điều ngược lại xem: “Tôi sẽ chọn giàu bằng mọi cách, còn bình an hay không thì mặc kệ” (!) – chắc hẳn dư luận chỉ có thể dành gạch đá cho ông mà thôi.
Tôi có thể viết thêm vài trang nữa để bình luận về vấn đề tăng trưởng này theo những kết quả nghiên cứu từ môn kinh tế học, nhưng đó không phải là chủ đề chính của bài này. Tôi chỉ muốn bàn về khởi nguồn của sự bất đồng của dư luận với ý kiến của ông Hải: tại sao người ta ghét nghe câu “Thà nghèo mà bình an” đến như thế?
Thứ nhất, tư duy phát triển của ông Hải, dù hơp lý, lại được nói ra không đúng thời điểm. Nước Việt Nam đã quen với sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ hậu Đổi mới, mười năm trở lại đây lại chững lại với những bất cập trong nước và tác động khủng hoảng ngoài nước, khiến người dân cảm thấy một sự hụt hẫng nhất định. (Dựa trên dữ liệu của Ngân hàng Thế giới, GDP trên đầu người tăng trưởng trung bình 5.8% mỗi năm từ 1995-2004, nhưng chỉ 4.8% mỗi năm từ 2005-2012).
Đặc biệt hơn, chúng ta rất thích so sánh Việt Nam với những nước hàng xóm: Lào, Cambodia, Trung Quốc. Sự tăng trưởng nhanh chóng của các nước này khiến dư luận cảm thấy một phần “ganh tị”, một phần không an tâm (từ phương diện quốc phòng). Chưa bao giờ người Việt Nam lại thân thích với cụm từ “Việt Nam – nước không chịu phát triển” như thế. Chính sự trì trệ này đã khiến tăng trưởng kinh tế trở thành sự quan tâm số một trong tâm trí người Việt. Chính vì thế, khi một bí thư mới lên bắt đầu nhiệm kì 5 năm của thủ đô, mà hai từ đầu tiên xuất hiện trên báo đài của ông lại là “Thà nghèo”, thì dư luận đã trút sự tức giận này lên câu nói của ông mà không cân nhắc kĩ ngữ cảnh, hàm ý.
Thứ hai, có những điều rất cụ thể mà dư luận muốn nghe từ một lãnh đạo. Đó là những lời hứa hẹn an sinh xã hội, những lời ngọt về tăng trưởng kinh tế, những lời có thể vẽ nên một cuộc sống màu hồng hơn. Khái niệm này trong tiếng Anh gọi là “populist message.” Có những điều không phải là chính sách có lợi nhất về lâu về dài, nhưng lại rất được ủng hộ vì đó là những điều dễ nghe.
Chẳng hạn như cựu ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, khi còn làm trong Nội các của Tổng thống Obama đã hết lòng ủng hộ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhưng khi bà chạy đua vào Nhà trắng năm nay đã phải chuyển sang phản đối Hiệp định này. Cử tri Đảng Dân chủ Mỹ vốn lo sợ Hiệp định này sẽ khiến việc làm của người dân Mỹ bị chuyển sang các nước đang phát triển khác, vậy nên bà Hillary Clinton dù trong lòng có ủng hộ TPP đi chăng nữa cũng phải phát biểu khác đi khi tranh cử, đơn giản vì đó là điều cử tri muốn nghe.
Vì thế, câu nói của Bí thư Hải đúng hay sai, thực tiễn hay không, chúng ta chưa đủ dữ kiện để bàn tới. Nhưng một điều có thể chắc chắn rằng, ông đã nói ra một điều mà dư luận không muốn nghe, và vào một thời điểm hoàn toàn không phù hợp.
Nói đến đây, tôi muốn nhấn mạnh rằng người Việt Nam có quyền đòi hỏi một đất nước giàu và bình an. Là công dân Việt Nam, tôi, Bí thư Hải, cũng như 90 triệu đồng bào khác đều mong mỏi một đất nước mà ai cũng không phải chịu cảnh nghèo, ai cũng có thể sống một cuộc sống bình an. Nước Mỹ có một “giấc mơ Mỹ,” và người dân Việt Nam cũng có một “giấc mơ Việt Nam.”
Tuy nhiên, để đánh giá một lãnh đạo, để đánh giá tính hiệu quả của một Nhà nước, tôi nghĩ phải chăng chúng ta nên suy nghĩ kĩ càng hơn về những sự đánh đổi, những cân nhắc mà người làm chính sách phải đối mặt. Chúng ta có quyền hà khắc, có quyền đòi hỏi. Chúng ta nên hà khắc, nên đòi hỏi!
Nhưng, để tránh trở thành một xã hội chỉ đầy những tư tưởng chỉ trích tiêu cực, chúng ta cũng nên cố gắng hà khắc một cách hợp lý hơn.