Ngày hôm qua, 17/8/2019, trong khuôn khổ chương trình Vòng Tay Nước Mỹ 7 tổ chức bởi Hội Thanh Niên Sinh Viên Việt Nam, mình đã dẫn một buổi panel discussion về chủ đề “PhD & Nghiên cứu trong Academia”. Khách mời của mình ngày hôm qua gồm có:
- Nguyễn Xuân Khánh, NCS Tiến sĩ CS tại ĐH Maryland, nghiên cứu viên tại Microsoft Research, chuyên nghiên cứu về Natural Language Processing.
- Nguyễn Ngọc Minh Tâm, NCS Tiến sĩ ngành Chemical Engineering tại MIT, chuyên về tối ưu hoá quy trình sản xuất dược bằng mô hình toán học.
- Anh Nguyễn Quang Dương, post-doc tại ĐH Rhode Island, chuyên ngành Biomedical Engineering, tập trung nghiên cứu về vận chuyển thuốc chống bệnh tim mạch và ung thư.
- Anh Thao Vương, Visiting Assistant Professor chuyên ngành Tài chính tại trường ĐH Washington, St. Louis.
- Anh Nguyễn Đình Phú, Assistant Professor Adjunct tại UC Irvine, chuyên ngành khí tượng thuỷ văn và viễn thám.
Mình xin được tóm tắt lại những câu hỏi đã được thảo luận và tóm tắt những ý trả lời chính của các diễn giả và mình tại đây.
Làm sao để biết mình nên theo academia?
Điểm chung của các diễn giả là con đường đến với academia rất tự nhiên. Tất cả đều bắt đầu bằng sở thích khám phá các câu hỏi, đặc biệt là các câu hỏi chưa có lời giải. Khác với việc giải bài tập ở trường lớp hay ôn thi đại học, theo academia nghĩa là bạn muốn trả lời những câu hỏi mà bạn chưa biết mình có thể trả lời được không. Đó là một thách thức, nhưng cũng là một đặc tính của những người thích khám phá và nghiên cứu khoa học.
Tâm nhấn mạnh rằng theo academia cũng là một cách để khám phá thêm các ngành nghề một cách chuyên sâu hơn sau đại học. Nếu như ở thời gian undergrad, do giới hạn thời gian và trình độ mà các bạn chỉ có thể nghiên cứu đến một mức nào đó, thì nếu học lên PhD và xa hơn, bạn có cơ hội để hiểu rõ hơn ngành của mình.
Người có dự định theo academia nên tự đặt câu hỏi gì cho bản thân?
Theo Khánh, gói gọn trong ngành data science và machine learning, bạn nên tự hỏi mình muốn học ngành ấy để làm gì. Nếu chỉ để áp dụng giải quyết các vấn đề trong đời sống thì không nên vào PhD, còn nếu muốn khám phá sâu hơn và đôi khi hàn lâm hơn thì mới nên vào PhD. Khánh cũng nghĩ rằng các bạn phải tự hỏi “Mình có chịu được sự cô đơn không, vì làm nghiên cứu khá cô đơn.”
Anh Dương và Tâm cùng đồng quan điểm rằng các bạn phải tự hỏi mình có thích nghiên cứu không, vì mình phải thích điều mình làm. Hơn nữa, bạn phải chịu được tính “chậm” của công việc nghiên cứu, vì nếu như các câu hỏi trong công ty phải được trả lời trong vòng một buổi sáng hay vài ngày, thì các câu hỏi trong academia có thể mất vài tháng hoặc vài năm. Thứ ba, bạn phải biết tự quản lý dự án của mình.
Cuối cùng là vấn đề tài chính: mức tài chính khi làm PhD của bạn nhiều khả năng sẽ thấp hơn bạn bè đồng trang lứa, do đó bạn phải chắc rằng mình ok với điều đó. Tất nhiên sau khi học PhD xong thì tuỳ ngành mà tài chính của các bạn cũng sẽ khác nhau.
“Các bạn phải tự hỏi mình có chịu được sự cô đơn không, vì làm nghiên cứu khá cô đơn.”
Cho đến nay, các ý kiến đều cho rằng academia rất cô đơn, khó khăn, và tài chính thấp. Vậy có điểm sáng nào không?
Anh Phú nhấn mạnh điểm sáng về khả năng học hỏi nhiều thứ mà mình sẽ không có cơ hội học trong môi trường tư nhân. Ngoài ra, cùng quan điểm với anh Thao, anh Phú nghĩ rằng theo academia là một lựa chọn tốt cho những người đã có gia đình vì sự linh động trong giờ giấc làm việc.
Đối với Vũ, theo academia có hai điểm lợi chính. Thứ nhất là sự tự do, và thứ hai là sự phong phú của nghề nghiệp hậu PhD.
Sự tự do là nếu như trong một công ty, công việc của bạn sẽ bị chèn từ trên xuống, và các câu hỏi mà bạn phải trả lời đều phải dựa theo nhu cầu của sếp và công ty, thì khi làm academia bạn sẽ tự do hơn nhiều trong việc lựa chọn câu hỏi mà mình muốn tìm hiểu. Mình chỉ phải học những thứ mình muốn, và làm những điều mình hứng thú. Nếu là người thích sự tự do, chắc bạn sẽ thích môi trường academia.
Thứ hai là sự phong phú của nghề nghiệp hậu PhD. Điều này có nghĩa là học PhD cho các bạn một giá trị lựa chọn (option value) rất lớn. Nếu bạn học PhD xong và nhận ra mình vẫn rất thích con đường nghiên cứu thì tuyệt vời, bạn có thể tiếp tục theo academia và làm post-doc/PGS/GS ở các trường đại học. Nếu bạn nhận ra rằng mình thích nghiên cứu và tìm tòi, nhưng có thể không phải là ở academia, thì bạn hoàn toàn có thể tìm những cơ hội nghề nghiệp khác phù hợp hơn ở khu vực tư nhân.
Theo academia có hai điểm lợi chính. Thứ nhất là sự tự do, và thứ hai là sự phong phú của nghề nghiệp hậu PhD.
Các cơ hội nghề nghiệp ngoài academia sau PhD cụ thể hơn là gì?
Nếu bạn học PhD kinh tế hoặc tài chính, nếu không đi theo academia sau PhD, bạn có thể rẽ sang làm tài chính, tư vấn, các tổ chức nghiên cứu độc lập (think-tank), hoặc các tổ chức “bán chính phủ” như là ở các ngân hàng trung ương (Fed regional banks), IMF, World Bank, vv.
Theo Tâm và anh Dương, ở ngành Chemical Engineering và BioMed Engineering, bạn có thể làm ở các tổ chức nghiên cứu khác (NIH, NSF, USDA, USF, FDA, vv.), R&D ở các công ty tư nhân, làm quản lý (executives) về kỹ thuật hoặc sales, hoặc làm startups.
Trong ngành kinh tế, tỉ lệ ra khỏi academia hậu PhD vào khoảng 10-30%, còn ở các ngành của các diễn giả khác vào khoảng 50-80%. Do đó, có thể thấy rằng nếu bạn thích nghiên cứu nói chung thì không nhất thiết phải là nghiên cứu ở các trường đại học sau PhD.
Để vào được một chương trình PhD tốt, bạn cần gì?
Yêu cầu cụ thể sẽ khác nhau giữa các ngành, nhưng nhìn chung bạn sẽ cần phải có (1) thư giới thiệu tốt, (2) GPA, và (3) kinh nghiệm nghiên cứu. Thông thường (3) sẽ dẫn đến (1), vì các giáo sư sẽ viết thư tốt hơn cho bạn nếu đã từng hướng dẫn nghiên cứu và biết khả năng của bạn.
Làm sao để có kinh nghiệm nghiên cứu ở cấp đại học?
Do đó, ở cấp đại học, các bạn nên tận dụng thời gian (đặc biệt là các mùa hè) để tham gia nghiên cứu cùng các giáo sư hoặc tại các tổ chức ngoài trường học. Cơ hội nghiên cứu có thể đến từ những chương trình có sẵn của trường, hoặc cơ hội ngẫu nhiên từ một giáo sư nào đó (mà bạn học cùng hoặc đơn giản là vô tình nhìn thấy poster dán ở đâu đó).
Ngoài ra, các diễn giả và cả Vũ đều nhấn mạnh rằng các bạn sẽ phải “mặt dày” một tí, đặc biệt là ở những năm đầu đại học. Lúc đó cơ hội của các bạn sẽ rất ít, và các bạn hầu như sẽ phải tự tạo ra cơ hội cho mình. Hầu hết các diễn giả đều chia sẻ đã từng viết 10-100 emails cho nhiều tổ chức / giáo sư khác nhau để xin một chân làm việc cùng.
Bạn sẽ bị từ chối khỏi 99% những email đó (hoặc đơn giản là người ta không trả lời), nhưng bạn chỉ cần một người đồng ý là đủ. Có thể công việc đầu tiên của bạn sẽ rất chán, nhưng lúc nào cũng phải đi lên từ những việc cơ bản nhất. Anh Dương chia sẻ rằng lab anh ấy đã có nhận cả học sinh THPT (!) vào làm vì em ấy đã bản lĩnh viết thư tự giới thiệu và xin công việc, và cuối cùng làm việc rất tốt và học hỏi được rất nhiều.
Bạn sẽ bị từ chối khỏi 99% những email đó (hoặc đơn giản là người ta không trả lời), nhưng bạn chỉ cần một người đồng ý là đủ.
Nếu mình học đại học ở Việt Nam thì có cửa vào PhD tốt không?
Có. Trên thực tế, 3 diễn giả trong panel đã từng học đại học ở Việt Nam (anh Dương, anh Thao, anh Phú).
Tuy nhiên, thực tế mà nói thì nếu học đại học ở Việt Nam thì cơ hội vào PhD tốt sẽ là một cánh cửa hẹp hơn, vì tính quan trọng của network và thư giới thiệu. Hầu hết các thầy cô tuyển sinh ở các trường lớn thích nhận học sinh có thư giới thiệu từ bạn bè của họ, và do đó người viết thư giới thiệu từ Việt Nam thường hơi gặp bất lợi hơn.
Do đó, các bạn nên tìm hiểu và tạo mối quan hệ với những giáo sư có connection với các programs ở Mỹ. Anh Thao chia sẻ rằng anh đến Mỹ cũng nhờ giáo sư của anh ở Việt Nam biết một giáo sư khác tại Mỹ và đã giới thiệu. Có những programs có cấu trúc hơn so với quan hệ cá nhân một tí như VEF (cho các ngành STEM) hoặc VCREME (cho ngành kinh tế / tài chính). Các tổ chức này có quan hệ rộng với nhiều giáo sư ở Mỹ / châu Âu và có thể mở đường cho bạn.
Nói tóm lại, con đường cụ thể sang Mỹ hoặc châu Âu để học PhD của bạn có thể rất khác tuỳ theo từng ngành. Do đó, bạn nên dành thời gian tìm hiểu, kết nối với các anh chị hoặc thầy cô đi trước, và tìm kiếm mối quan hệ cần thiết cho mình (tất nhiên mối quan hệ chỉ được xây dựng nếu có khả năng).
Bạn nên dành thời gian tìm hiểu, kết nối với các anh chị hoặc thầy cô đi trước, và tìm kiếm mối quan hệ cần thiết cho mình (tất nhiên mối quan hệ chỉ được xây dựng nếu có khả năng)
Cuối cùng, những điểm mạnh và khó khăn của người Việt khi theo đuổi academia là gì?
Hầu hết các diễn giả đều đồng quan điểm rằng điểm mạnh là người Việt rất thông minh và giỏi khoa học cơ bản, có xuất phát điểm tốt cho công việc nghiên cứu. Tuy nhiên, có hai khó khăn chính, đó là (1) sự thiếu kỉ luật / tác phong, và quan trọng hơn là (2) sự thiếu mạng lưới người đi trước để hỗ trợ.
Do đó, lời khuyên của các diễn giả đối với người Việt trẻ định vào con đường academia là luyện tập, trau dồi tác phong làm việc, tăng tính kỉ luật, và cố gắng kết nối với những người đi trước để xin kinh nghiệm / cơ hội.
Vũ kết thúc bằng lời khuyên rằng các bạn cũng cần một ít “trí tưởng tượng” nữa. Nói như thế bởi vì học giả ở các nước khác đều có những người đi trước để vạch ra con đường và tấm gương để đi theo. Người Việt đang trong giai đoạn mới vươn ra thế giới, và trong nhiều ngành sẽ là một trong những người đầu tiên.
Các bạn muốn đạt được điều gì và đi đến đâu phải biết tưởng tượng ra được mình ở vị trí ấy, để rồi cố gắng từ từ. Nếu các bạn nghĩ ngay từ đầu rằng “cỡ như mình thì làm sao đến vị trí ấy được”, thì các bạn đã tự mình bỏ đi cơ hội ngay từ đầu.
Chúc các bạn may mắn!
Nếu các bạn nghĩ ngay từ đầu rằng “cỡ như mình thì làm sao đến vị trí ấy được”, thì các bạn đã tự mình bỏ đi cơ hội ngay từ đầu.
Featured image: Photo by rawpixel.com from Pexels