Đời sống

Lời khuyên cho các bạn trẻ muốn làm web/blog cá nhân

Châu Thanh Vũ
Harvard, 10/12/2018

Một đặc quyền của việc viết blog là được đưa tiếng nói và suy nghĩ của mình đến với nhiều độc giả. Kể từ khi cho ra đời trang chauthanhvu.com, trang blog thứ 5 của mình, đều đặn mỗi tuần mình đều nhận được tin nhắn từ những người theo dõi để cảm ơn, góp ý, đôi khi chỉ trích (rất mang tính xây dựng). Nhiều độc giả trẻ thường nhắn tin bảo mình rằng các bạn rất được truyền cảm hứng và muốn làm điều tương tự. “Em có nên lập blog cá nhân để truyền cảm hứng cho người khác không?” là một câu hỏi mình thường xuyên nhận được.

Vậy, bạn có nên lập trang web hay blog của mình không? Dưới đây là một số ý kiến của mình.

Blog cho bản thân, chứ không phải cho người khác

Như tựa đề: bạn nên lập blog vì mình, viết về lý do mình thích, thay vì săn đón một điều gì đó mà dư luận thích.

Blogging về những thứ mình thích sẽ vui và thú vị hơn. Khâu nghiên cứu, viết lách cũng cảm thấy đỡ áp lực hơn, vì dù bài viết có thành công hay không, người ta có đọc bài của bạn hay không, bạn cũng đã có cơ hội học tập, suy nghĩ, và viết về một điều mình quan tâm.

Ngoài ra, thực tiễn hơn, độc giả thích một người viết có cá tính, hoặc “identity.” Nếu bạn viết hổ lốn, người ta thường nhớ về blog bạn như là một trang tổng hợp, hơn là nhớ đến tên bạn vì một điều cụ thể nào đó. Có một lần, một nhóm học sinh liên tục gọi mình là anh “Châu Thanh Vũ”, khi được hỏi tại sao không chỉ nói là “Vũ”, thì các em ấy bảo là đã quen nhìn blog của anh. Lúc đó mình cũng cảm thấy hơi vui là blog mình đã thành 1 phần thương hiệu của cá nhân, khiến mình hơi khác biệt đi một tí.

Kiên trì, kiên trì, kiên trì

Một lý do khác để bạn nên chỉ blog những điều mình thích là bạn sẽ dễ kiên trì hơn.

Với xác suất rất cao, blog của bạn sẽ không có ai theo đọc trong vài tháng (hoặc thậm chí năm) đầu tiên. Từ kinh nghiệm cá nhân: blog đầu tiên của mình (host ở Yahoo) chỉ được bố mẹ và vài đứa bạn thân đọc. Lên đại học, mình viết liên tục 2 blog trên blogspot suốt 3 năm nhưng cũng chỉ có tầm 20-30 độc giả cho mỗi bài. Để đến được thời điểm mà blog chauthanhvu.com có thể có được hơn 30,000 lượt đọc cho một bài như hiện nay là suốt 5, 6 năm liền viết mà không ai đọc. Tất nhiên, mình vẫn ra bài đều đặn trong thời gian không ai đọc đó.

Mình làm thế được chỉ vì mình đã viết thứ mình thích, thay vì viết với mục đích chính trong đầu chỉ là để được nhiều người đọc. 

Blog để học, không để thể hiện 

Dù bạn đang đi làm hay đi học, blogging cũng tốn một khoản thời gian nhất định. Do đó, bạn phải cân nhắc thật kĩ liệu mình có đang dùng thời gian hợp lý không khi mình blog. 

Có lần, một độc giả comment vào blog của mình: “Người chỉ biết nghe những thứ mình nói thì không bao giờ giỏi hơn được.” Và khi đọc câu comment đó, mình thực sự đã suy nghĩ rất nhiều. Và đúng, đối với một nghiên cứu sinh như mình, câu hỏi luôn hiện hữu khi mình blog là: “Thay vì blog, mình đã có thể học thêm về chuyên môn. Vậy mình có nên blog không?” Sau rất nhiều suy nghĩ, mình nghĩ câu trả lời là “tuỳ vào dạng người.” Có những người blog đơn thuần chỉ để chia sẻ, còn mình blog phần lớn là để học.

Mỗi lần viết bài về kinh tế cũng là dịp để mình phải suy nghĩ, nghiên cứu về chủ đề ấy (tất nhiên không sâu bằng nếu mình đang viết bài nghiên cứu đăng tạp chí). Ngay cả khi mỗi lần mình viết về những chủ đề đời sống hàng ngày cũng là dịp để mình suy nghĩ kĩ hơn. Ví dụ như, khi viết blog mình có một thói quen. Khi phải đưa ra ý kiến, mình sẽ viết câu: “Tôi nghĩ chuyện này là XYZ vì 3 lý do:” ngay trước khi não kịp đưa ra 3 lý do ấy là gì. Trong lúc viết ra các gạch đầu dòng, não mình sẽ tự động đưa ra các lời giải thích để mình kịp viết vào chỗ trống. 

Cũng giống như những người khi suy nghĩ phải nói to ra cho người khác, đối với mình, blog là cách để mình học và tư duy. Nếu bạn chỉ blog đơn thuần để thể hiện kiến thức, mình nghĩ thời gian ấy có thể được sử dụng tốt hơn để bạn học thêm về một điều gì đó.

Chấp nhận sự khác biệt về quan điểm

Nếu bạn blog, đặc biệt về những điều hơi gây tranh cãi như kinh tế, chính trị, giá trị xã hội, thì bạn nên chuẩn bị tinh thần cho những chỉ trích từ người khác. 

Mình đã nhận được rất nhiều gạch đá cho bài viết của mình chỉ vì đôi khi đi ngược lại ý kiến của đám đông. Mình cũng đã xém mất vài người bạn vì họ không thích những gì mình viết. (Ngay cả bà ngoại mình từng bảo mình đừng viết nữa để bảo vệ an toàn cho bản thân.)

Hãy nhớ rằng: đi đôi với một quyền lợi là một trách nhiệm to lớn. Bạn đang có quyền nói lên điều mình nghĩ, thì cũng nên chuẩn bị tinh thần và chịu trách nhiệm cho những điều mình nói. Người ta chửi? Hãy bỏ qua. Góp ý gay gắt? Hãy bảo vệ luận điểm của mình (nếu bạn có thời gian). Nhận thấy mình sai? Hãy cảm ơn và tiếp nhận quan điểm đúng.

Không ai quá trẻ / quá vô danh để blog

Nói tới đây đã có khá nhiều lời cảnh báo, nên để mình đưa ra một lời khích lệ: Không ai quá vô danh để blog.

Nếu bạn thực sự thích viết về một điều gì đó, không sợ không có người đọc, thích học hỏi qua blogging, mình nghĩ bạn nên blog. Có một suy nghĩ hơi sai rằng blogging chỉ dành cho những người nổi tiếng. Mình nghĩ ngược lại: một số người nổi tiếng vì họ dám blog và nhận sự đánh giá của đám đông.

Chúc các bạn blog thành công nhé. 🙂 

Featured Image: Photo by Corinne Kutz on Unsplash

 

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

%d người thích bài này: