Đời sống

“Dự luật An ninh mạng” nên tập trung vào an ninh mạng

An ninh mạng là một vấn đề ngày càng quan trọng trong quốc phòng. Tuy nhiên, dự thảo Luật an ninh mạng có một vài điều khoản đi chệch ra khỏi phạm trù an ninh mạng mà tôi nghĩ nên bỏ ra khỏi dự luật:

  • Điều 15: Phòng ngừa, xử lý thông tin trên không gian mạng có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng; làm nhục, vu khống; xâm phạm trật tự quản lý kinh tế.
  • Điều 25/2: Cơ quan […] cung cấp dịch vụ trên không gian mạng [..] phải (a) […] cung cấp thông tin người dùng cho lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an khi có yêu cầu bằng văn bản; (b) xoá bỏ thông tin, ngăn chặn chia sẻ thông tin […] quy định tại điều 15 […]
  • (Xin mời đọc nguyên bản dự luật tại đây.)

Hai điều này giống như công cụ kiểm soát quyền tự do ngôn luận của người Việt Nam hơn là chống lại rủi ro an ninh mạng trong quốc phòng.

An ninh quốc phòng vs. Thông tin cá nhân: Chuyện các nước khác

Thực ra Việt Nam không phải là nước đầu tiên muốn tiếp cận thông tin cá nhân người sử dụng qua các công ty cung cấp dịch vụ viễn thông và Internet. Năm 2016 nổi cộm lên cuộc chiến giữa FBI và Apple khi công ty này từ chối mở khoá chiếc iPhone của một tội phạm trong vụ tấn công khủng bố ở San Bernardino, California cuối năm 2015. Trong cùng năm đó, các doanh nghiệp ngành công nghệ phải tiếp tục đối mặt với sức ép từ chính quyền các nước Châu Âu để cung cấp thông tin để giúp công tác chống khủng bố trong nước.

Ngay cả khi có một lý do rõ ràng như chống khủng bố, các công ty công nghệ vẫn chống đối quyết liệt vì họ muốn người dùng của mình biết rằng quyền riêng tư của họ rất quý giá và đáng được tôn trọng. Chắc sẽ có một lằn ranh ở giữa là điểm cân bằng giữa hai mục tiêu an ninh – quốc phòng và riêng tư – tự do cá nhân. Tuy nhiên, một bộ luật như thế rất khó viết vì (a) lằn ranh đó ở đâu và (b) khả năng chính quyền vượt qua lằn ranh này để kiểm soát các cá nhân là rất lớn. Đó là lý do cho đến nay, cuộc chiến giữa các chính phủ và các công ty công nghệ vẫn tiếp tục.

Trung QuốcẤn Độ cũng đang tiến về xu hướng tạo ra các bộ dữ liệu cá nhân khổng lồ của nhân dân dưới quyền kiểm soát của nhà nước. Các bộ dữ liệu này có thể giúp ích ở nhiều khía cạnh: dưới dạng điện tử, chính phủ có thể kiểm soát dữ liệu dễ dàng, lâu dài hơn (hơn là giấy), công việc thống kê, nghiên cứu cũng tiện lợi hơn; công việc đánh giá khả năng tài chính cho tín dụng, nhà đất,… cũng dễ dàng hơn.

Tuy nhiên, đây là một con dao hai lưỡi mà lợi bất cập hại. Thứ nhất, việc chính quyền có dữ liệu toàn diện về mọi người là rất nguy hiểm. Mark Leonard viết cho tạp chí Project Syndicate: “Chính phủ [Trung Quốc] đang ngày càng sử dụng CCTV, dữ liệu lớn, và trí tuệ nhân tạo để theo dõi thái độ, hy vọng, nỗi sợ, và khuôn mặt của công dân Trung Quốc, để họ có thể ngăn chặn ngay những ai có thái độ chống đối chính quyền.” Thứ hai, ngay cả khi chính quyền các nước này không làm gì xấu, thì nếu những thông tin này bị hack và lọt vào tay kẻ thứ 3, thì những dữ liệu này có thể bị sử dụng cho mục đích bất chính (nhẹ thì quảng cáo hàng hoá online theo đối tượng, nặng thì kiểm soát thông tin/đăng tin giả online/khống chế kết quả bầu cử,…).

Tự do ngôn luận có những mặt trái, nhưng là quyền công dân cơ bản cần được đảm bảo

Quay trở lại hai điều luật 15 và 25 trong dự luật an ninh mạng của Việt Nam. Chúng ta có thể thấy hai điều này giống như công cụ kiểm soát quyền tự do ngôn luận của người Việt Nam hơn là chống lại rủi ro an ninh mạng trong quốc phòng. Nếu được thông qua, Chính phủ sẽ được trao một quyền kiểm soát công dân rất đáng quan ngại.

Tất nhiên không phải ai cũng sử dụng quyền tự do ngôn luận cho mục đích tốt. Chính phủ nào, tổ chức nào, cá nhân nào cũng phải chịu nghe những lời chống phá, bôi nhọ, thậm chí vu khống từ những tổ chức, cá nhân khác. Mỗi lần đăng bài trên Internet, tôi phải đối mặt với nhiều người bất đồng, hoặc thậm chí động chạm đến danh dự cá nhân mình, hơn là tôi muốn nghe. Năm ngoái, Harvard rút quyết định nhận học của ít nhất 10 học sinh sắp vào năm nhất vì nhóm học sinh này chia sẻ với nhau các tin nhắn liên quan đến tình dục và xúc phạm các cộng đồng thiểu số.

Trong trường hợp của mình, tôi nghĩ quyền nói là quyền của họ, và quyền tiếp thu hay không vẫn là quyền của mình. Trong vụ việc của Harvard, mặc dù rất phản đối những tin nhắn xúc phạm người khác của nhóm học sinh kia, tôi nghĩ Harvard đã quyết định sai vì đã tự cho mình quyền kiểm soát người khác được hay không được nói gì. Suy cho cùng, quyền tự do ngôn luận là quyền cơ bản của mọi người trong mọi hoàn cảnh.

Đối với trường hợp của Chính phủ, tôi nghĩ cách tốt nhất để chống phản động, chống phá Nhà nước là Nhà nước chứng minh bằng thành tích quản lý, nâng cao đời sống văn hoá/kinh tế/xã hội thay vì cấm cản lời nói.

Tất nhiên, nếu có thể biết rõ phải/trái/trắng/đen, và người nắm giữ quyền kiểm soát ngôn luận là người luôn làm đúng, thì thế giới này đã có thể lọc ra được chỉ toàn lời hay ý đẹp. Tiếc là tính đúng/sai thường rất tương đối, và con người thường bất đồng với nhau ở nhiều mức độ, nên rủi ro quyền lực kiểm soát ngôn luận bị dùng cho mục đích dẹp bỏ toàn bộ ý kiến phản đối – ngay cả những ý kiến mang tính xây dựng cần thiết – là rất cao.

Khi còn bé, tôi đã từng hỏi một người chị lớn hơn nhiều tuối: “Chị ơi, nhưng nếu mình biết họ nói điều không đúng, thì tại sao vẫn để yên cho họ nói những điều không đúng?” Chị ấy trả lời rằng: “Thứ nhất, chưa chắc những gì em biết là đúng. Thứ hai, hãy để tin tốt/tin thật lấn át tin xấu/tin giả.” Và câu trả lời ấy thay đổi suy nghĩ của tôi về vấn đề này cho đến nay. Đúng, tôi viết những điều này khi tin giả là vấn nạn tràn lan, và vấn nạn càng nguy hiểm hơn khi người ta thường chỉ tin vào tin đầu tiên mình thấy online mà không tìm hiểu sâu xa hơn.

Nhưng hãy để tin thật lấn át tin giả, tin tốt lấn át tin xấu; để việc đào tạo kĩ năng tìm hiểu và chống tin giả là lời giải, hơn là trao quyền lực kiểm soát vào tay một nhóm cụ thể. Đã là quyền lực thì luôn rất dễ bị lạm dụng.

Châu Thanh Vũ
Harvard, 6/7/2018

Featured Image: Photo by Florian Olivo on Unsplash

2 Bình luận

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

%d người thích bài này: