Kinh tế

Bitcoin: bong bóng hay giá trị thực?

Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả. Nếu có điểm bất đồng hoặc góp ý, xin comment trực tiếp ở dưới bài, tôi sẽ rất trân trọng. Những phần ghi chú [x] sẽ có nội dung thêm ở cuối bài.

 

Ngày 28/10, Ngân Hàng Nhà Nước (NHNN) đã tuyên bố cấm phát hành, cung ứng, và sử dụng bitcoin và các loại tiền ảo (tiền điện tử) khác. Tuyên bố này được đưa ra vài ngày sau khi ĐH FPT tuyên bố sẽ chấp nhận thu học phí bằng Bitcoin.

Động thái này chính thức đưa Việt Nam vào danh sách quốc gia giới hạn hoặc cấm hoàn toàn việc trao đổi và sử dụng tiền ảo. Gần đây nhất, vào ngày 4/9, Trung Quốc, lo ngại lừa đảo, gian lận, và trốn thuế, đã tuyên bố cấm các sàn trao đổi tiền ảo và quá trình ICO – hình thức gây quỹ đám đông bằng cách phát hành một loại tiền ảo mới.

Lệnh cấm của NHNN lại dấy lên cuộc tranh luận về tiền ảo Bitcoin và vai trò của nó trong nền kinh tế. Vào lúc này, có hai câu hỏi lớn được đặt ra:

  1. Hệ thống tiền ảo phi tập trung (không kiểm soát bởi Nhà nước) có giá trị xã hội gì?
  2. Bitcoin có phải là một đồng tiền giao dịch của tương lai hay không?

Hiểu được câu hỏi (1) là cần thiết để xác định rằng một quốc gia có nên công nhận tiền ảo tư nhân hay không. Nếu thực sự Bitcoin có đặc tính nổi bật hơn hệ thống tiền giấy như hiện nay (chính xác hơn: tiền giấy pháp định – fiat money), thì Bitcoin nên được công nhận và sử dụng rộng rãi.

Câu hỏi (2) mang tính thực tế hơn: giả sử hệ thống tiền ảo tư nhân có những ưu điểm vượt bậc hơn hệ thống tiền tệ hiện tại đi nữa, nhưng nếu nó gây hại đến quyền hạn của Chính phủ các nước, thì đồng tiền ảo này có tồn tại được không?

Bằng cách so sánh và học từ những thời điểm tương tự khác trong lịch sử tiền tệ thế giới, bài viết này sẽ thảo luận xoay quanh 2 câu hỏi trên. Những ai còn sống trong năm 2017 hầu hết đã quên đi những giai đoạn khác trong lịch sử mà đồng tiền được sử dụng không phải là tiền giấy, và hơn nữa, khi đồng tiền không phải được phát hành và quản lý tập trung bởi Nhà nước. Tôi tin rằng việc nhìn lại những giai đoạn này sẽ giúp chúng ta dự đoán được một phần kết quả của tiền ảo Bitcoin.

Để tóm tắt trước kết luận của bài: quan điểm của tôi là mặc dù Bitcoin là một hệ thống được vận hành theo một quy chuẩn rất thông minh, giải quyết được bài toán khó của vấn đề kiểm chứng và phát hành tiền tệ theo hình thức phi tập trung, Bitcoin tồn tại những nhược điểm rất lớn, không tốt cho việc quản lý kinh tế vĩ mô từ cả phương diện nội địa và quốc tế. Do đó, ngay từ câu hỏi (1) – câu trả lời là tiêu cực. Về câu hỏi (2): tôi hoàn toàn tin rằng trong tương lai, giao dịch sẽ hoàn toàn bằng tiền ảo, nhưng là tiền ảo quản lý bởi nhà nước, chứ không phải là tiền ảo phi tập trung như Bitcoin.

Bitcoin là gì, và khác với các đồng tiền truyền thống như thế nào?

Bitcoin được một nhân vật bí ẩn với biệt danh Satoshi Nakamoto tạo ra vào năm 2008. Loại tiền điện tử này được thiết kế để có những đặc tính chính sau:

  1. Giải quyết được vấn đề “một đồng tiêu hai lần”.
  2. Giao dịch được kiểm chứng bởi cộng đồng Bitcoin chứ không cần được kiểm chứng bởi ngân hàng hay một tổ chức thứ 3 nào khác.
  3. Bitcoin được phát hành phi tập trung bởi người tham gia chứ không phải nhà nước
  4. Nguồn cung tiền Bitcoin sẽ tăng trưởng ổn định và giảm theo cấp số nhân qua thời gian.

Phân tích kĩ 4 đặc tính này sẽ giúp chúng ta hiểu rõ được Bitcoin khác với các hệ thống tiền tệ truyền thống như thế nào, và sự khác biệt đó là tốt hay xấu.

 

Đặc tính (1): Tránh “một đồng tiêu hai lần”

Thoạt đầu, nghe có vẻ hiển nhiên là bất kì một loại đồng tiền nào cũng phải được thiết kế sao cho không ai có thể gian lận và dùng một đồng để mua hai vật phẩm cùng một lúc.

Đây vốn không phải là vấn đề lớn đối với các đồng tiền truyền thống. Bất cứ tiền tệ nào trong lịch sử, từ tiền giấy, đồng tiền vàng, hay hóa đơn nợ chính phủ (bill of credit – đồng tiền của Mỹ vào thời còn là thuộc địa của Anh), một khi đã dùng để trao đổi thì hiển nhiên trao đổi từ tay người này sang người khác, và chủ cũ không thể tiêu lại đồng tiền đó nữa [1].

Tuy nhiên, vấn đề này đã luôn là bài toán khó đối với tiền điện tử, và chỉ đến Bitcoin thì mới có lời giải tốt và tiền điện tử mới thật sự trở thành một đồng tiền được giao dịch. Để giải quyết vấn đề này, Bitcoin sử dụng công nghệ blockchain để giữ lịch sử giao dịch của đồng Bitcoin ở rất nhiều máy tính trên thế giới [2]. Khi một giao dịch đã được kiểm chứng và lưu vào lịch sử giao dịch, đồng tiền sử dụng trong giao dịch đó sẽ không thể được kiểm chứng lại lần thứ hai bởi cùng một tài khoản, chống vấn đề gian lận “một đồng tiền tiêu hai lần”.

 

Đặc tính (2): Giao dịch được kiểm chứng bởi cộng đồng

Đây là điểm đặc trưng nhất của Bitcoin. Việc thiết lập được phương pháp kiểm chứng sử dụng nhiều máy tính tư nhân giúp giao dịch Bitcoin không phụ thuộc vào một tổ chức thứ 3 nào. (Hiện tại, mọi giao dịch được kiểm chứng bởi ngân hàng và các tổ chức tài chính khác.)

Đây là đặc điểm phân biệt Bitcoin ra khỏi tất cả các đồng tiền truyền thống vì tất cả mọi đơn vị tiền tệ trong lịch sử đều được kiểm chứng ở một mức độ tập trung nào đó [7]. Nhưng, người ta tự hỏi, tại sao chúng ta cần một hệ thống kiểm chứng công cộng như Bitcoin?

Satoshi Nakamoto viết trong bài viết về Bitcoin của mình rằng:

“…[hệ thống kiểm chứng giao dịch bởi các tổ chức tài chính] dù hoạt động hiệu quả cho hầu hết giao dịch, nó vẫn có những điểm yếu của một hệ thống dựa vào lòng tin. […] vì các tổ chức tài chính không thể tránh khỏi tranh cãi giao dịch và phải đứng ra dàn xếp khi hai bên bất đồng, cái giá của công việc dàn xếp đẩy lên chi phí giao dịch, khiến các giao dịch nhỏ không thể xảy ra…”

Trên thực tế, hệ thống kiểm chức giao dịch bởi các tổ chức tài chính đã hoạt động hiệu quả qua một thời gian dài, và hiện giờ người ta đã có thể gửi cho nhau những giao dịch trị giá vài cents (vài trăm VND) qua Bank of America – nên dù là đặc tính đặc trưng, độ cần thiết của đặc tính (2) sẽ nhờ độc giả và người sử dụng Bitcoin tự đánh giá.

 

Đặc tính (3) và (4): Phát hành tiền tệ không phụ thuộc vào nhà nước, mà bị điều khiển bởi thuật toán của Bitcoin.

Đây là hai đặc tính được rất nhiều người sử dụng Bitcoin ủng hộ. Một đồng tiền được in ấn và quản lý nguồn cung một cách tập trung ở cấp Nhà nước có thể dễ bị lạm dụng bởi chính Nhà nước phát hành ra đồng tiền ấy. Cụ thể hơn, Chính phủ có thể liên tục bội chi, nhưng lại in tiền ra để trả nợ. Lượng tiền in ra nhiều khiến đồng tiền mất giá, giảm đi tài sản của người dân. Nói cách khác, đây là một hình thức đánh thuế người dân một cách vô hình thông qua lạm phát (hiện tượng seniorage), và hình thức đánh thuế này không thể hoạt động khi Nhà nước cho phép sử dụng Bitcoin.

Nguồn cung tiền của Bitcoin được kiểm soát rất chặt chẽ. Tiền ảo Bitcoin được “phát hành” bởi những người đào mỏ Bitcoin (miners). Những người đào mỏ đầu tư vào hệ thống CPU được dùng vào công việc kiểm chứng giao dịch của Bitcoin, và được thưởng những đồng tiền Bitcoin mới để bù lại công đào mỏ. Đây là cách đồng Bitcoin mới được phát hành.

Ngoài ra, lượng Bitcoin trên thị trường cũng sẽ bị kiểm soát bởi thuật toán của đồng tiền điện tử này: hễ càng có nhiều người đào mỏ, thì thuật toán này sẽ tự động nâng độ khó của bài toán dùng để kiểm chứng giao dịch lên, khiến cho người đào mỏ phải bỏ nhiều thời gian và công suất CPU hơn để đào được Bitcoin.

Số lượng coin được dùng để thưởng cho người đào mỏ cũng sẽ tự động giảm gấp đôi sau mỗi 210,000 khối giao dịch. Băng cách này, số lượng Bitcoin có trên thị trường sẽ không bao giờ vượt quá 21 triệu Bitcoin. Đây là đặc tính thứ (4) của Bitcoin.

Bitcoin vs. vàng

Thiết kế (3) và (4) của Bitcoin khiến đồng tiền ảo này có nhiều giá trị giống đồng vàng – vốn là đồng tiền phổ biến của thế giới từ xưa đến năm 1971 [3]. Hình thức “đào mỏ” Bitcoin cũng giống như những thợ đào vàng ngày xưa: càng bỏ nhiều công càng được thưởng bằng lượng tiền đào được. Lượng Bitcoin đào được cũng giảm dần qua thời gian, giống như vàng khi tốc độ phát hiện mỏ vàng ngày càng giảm.

Vàng thỏa mãn đặc tính (1), (3),  và (4) của Bitcoin, cộng với việc bản thân nó có giá trị sử dụng (thẩm mỹ, bền vững qua thời gian), nên chỉ xét về ưu điểm của Bitcoin cũng đã khó nói vì sao lại nên sử dụng hệ thống Bitcoin mà không đơn thuần quay trở lại hệ thống Tiêu chuẩn Vàng đã rất thịnh hành 1 thế kỉ trước đây. (Hệ thống tiêu chuẩn vàng là hệ thống mà ngân hàng trung ương in tiền giấy, nhưng đảm bảo với người dân là có thể quy đổi ra vàng ở một tỉ lệ nhất định. Chính điều kiện này buộc ngân hàng trung ương, dù sử dụng tiền giấy nhưng cũng không được in tiền nhiều quá mức so với lượng vàng mình có được.) [4]

Cuối cùng, điểm khác biệt lớn nhất giữa vàng và Bitcoin là độ cạnh tranh. Nếu như hiếm có kim loại nào có thể cạnh tranh với vàng (không có quá nhiều kim loại thỏa mãn các tiêu chí: không nổ dưới nước (như sodium), không tự mất giá trị vì bị oxy hóa (như sắt), không quá khó đào (như nhôm), hay không mang phóng xạ (thử Uranium)), thì Bitcoin chỉ là một trong số ngày càng nhiều đồng tiền ảo với blockchain riêng.

Dù Bitcoin có lợi thế là đồng tiền đầu tiên, hoàn toàn có thể tin rằng các đồng tiền sau sẽ có ưu điểm hơn và cạnh tranh trực tiếp làm giải giá trị của Bitcoin. Chưa kể, mặc dù chưa phải là vấn đề hiện tại, rồi sẽ đến một lúc phần thưởng cho các người đào mỏ sẽ không còn là Bitcoin nữa (vì thiết kế (4) được nêu ra ở trên) mà sẽ bằng phí giao dịch, người đào mỏ sẽ có động cơ để chuyển sang một đồng tiền ảo mới khác, ảnh hưởng đến quá trình kiểm chứng giao dịch của Bitcoin.

Nói tóm lại, rất khó để tin vì sao Bitcoin lại có một giá trị thêm vào nào cho xã hội khi hầu hết những đặc điểm của nó đều bị lấn át khi đem so với vàng. (Đó là còn chưa kể, tôi không hề nghĩ hệ thống tiền vàng là tốt hơn hệ thống tiền giấy như hiện nay.)

Tiền ảo phi tập trung như Bitcoin có nên là tiêu chuẩn tiền tệ chính của một nước?

Như đã nói ở trên, Bitcoin sở hữu đặc tính “phi tập trung”, nghĩa là chính phủ một nước không thể tác động nhiều đến nguồn cung tiền tệ. Ưu điểm của hệ thống này là sự tương đối ổn định về giá trị đồng tiền. Ưu điểm này đặc biệt có giá trị ở một quốc gia lạm phát cao mà thuế lạm phát (seniorage) là một vấn đề nghiêm trọng – như Argentina hay Brazil vào cuối những năm 1980s.

Tuy nhiên, ở một quốc gia mà ngân hàng trung ương được vận hành độc lập, thì sử dụng vàng hoặc Bitcoin làm tiền tệ chính cũng như tự bỏ đi một công cụ ổn định nền kinh tế: chính sách tiền tệ.

Vai trò bình ổn vĩ mô

Để hiểu rõ hơn vai trò của chính sách tiền tệ, thử xem lại giai đoạn Đại Suy thoái (Great Depression) năm 1928-1933 của Mỹ. Lúc này Mỹ vẫn đang theo Tiêu chuẩn Vàng, và như đã nói, điều này ràng buộc nguồn cung tiền giấy phải theo một tỉ lệ với lượng vàng mà Fed nắm giữ.

Trường phái Cổ điển (Neoclassical) hoặc Tân Cổ điển (New Neoclassical) tin rằng chính sách tiền tệ (bằng cách thay đổi nguồn cung tiền tệ) chỉ tác động lên giá cả và các biến danh nghĩa khác như tiền lương mà thôi, còn các biến thực khác như sản xuất, thất nghiệp, tiêu dùng,… đã được định sẵn bởi những yếu tố thực khác như nhu cầu hoặc công nghệ. Do đó, dưới luồng tư tưởng Cổ điển, việc sử dụng đồng tiền nào không hề liên quan đến những hoạt động sản xuất và việc làm của nền kinh tế.

Tuy nhiên, hai luồng tư tưởng còn lại – nhóm Tiền tệ (Monetarist) và Keynesian [5] – tin rằng chính sự ràng buộc đồng USD vào vàng đã khiến Mỹ không thể tăng nguồn cung tiền trong những năm suy thoái để hỗ trợ hoạt động của nền kinh tế. Với nhiều dữ liệu hơn qua thời gian và sự phát triển của xác suất thống kê, càng ngày các bằng chứng tìm được đều cho thấy (1) những cú sốc tiền tệ đều có ảnh hưởng đến những biến thực như sản xuất, thất nghiệp và tiêu dùng, và (2) giả như Fed đã không gắn chặt với vàng trong những năm Đại Suy thoái, thì cuộc khủng hoảng đó đã không tệ đến thế.

Quay lại chủ đề Bitcoin, nói đến đây cũng có thể thấy được nỗi lo của các nhà quản lý tiền tệ: việc cho phép một đồng tiền tư nhân – dù ảo hay không – làm đồng tiền giao dịch chính cũng như đã tự bỏ đi khả năng bình ổn vĩ mô của mình.

Nói một cách khác, trong một cuộc khủng hoảng, một đồng tiền tư nhân vận hành bởi hàng triệu người, nhưng cũng đồng thời không được điều khiển bởi một người cụ thể nào. Hệ thống này sẽ cực kỳ không hiệu quả, và sẽ không thể phản ứng linh động được trong một cuộc khủng hoảng.

Nền kinh tế mở

Có quan điểm cho rằng Việt Nam nên cho phép giao dịch Bitcoin để “hội nhập với thế giới”. Tất nhiên, nếu Bitcoin trở thành đồng tiền chính thức của hệ thống tài chính và thương mại thế giới – vị trí của đồng đô Mỹ hiện nay – thì quan điểm này hoàn toàn đúng, và Việt Nam còn nên đi tắt đón đầu.

Tuy nhiên, có nhiều lý do để tin rằng khả năng của Bitcoin để chiếm vị trí của đồng USD để trở thành đơn vị tiền tệ giao dịch quốc tế là rất thấp – hay hầu như zero.

Thứ nhất, điều này đòi hỏi các quốc gia trên thế giới phải đồng loạt công nhận Bitcoin là tiền tệ giao dịch chính thức, đồng nghĩa với việc từ bỏ khả năng điều khiển chính sách tiền tệ của mình.

Phải nói rằng đây là một viễn cảnh rất xa, vì nó đòi hỏi một sự hợp tác quốc  tế đồng thuận tầm cỡ như việc thiết lập hệ thống tiền tệ Bretton Woods sau Chiến tranh Thế giới thứ II. Sự phân cực thế giới với nhiều mục tiêu quốc gia riêng như hiện nay khiến khả năng có một hệ thống như thế này là không thể.

Hơn nữa, ngay cả khi đã thiết lập được một hệ thống quốc tế mà Bitcoin là đơn vị tiền tệ chính, hệ thống này rất dễ tan rã. Khi một nền kinh tế lớn trong hệ thống gặp một cú sốc lớn, nền kinh tế ấy sẽ có động lực để rời bỏ hệ thống để có thể tự do theo đuổi chính sách tiền tệ của riêng mình – cũng giống như cách Anh rời bỏ hệ thống Tiêu chuẩn Vàng năm 1931.

Thứ hai, và quan trọng hơn, rất khó có thể nghĩ ra được một viễn cảnh mà Mỹ sẽ chịu từ bỏ đi vị trí thống lĩnh của đồng Đô la Mỹ.

Nói thế là vì Mỹ có rất nhiều lợi thế vô lý khi đồng tiền của Mỹ nằm ở trung tâm hệ thống tài chính quốc tế. Thứ nhất, Mỹ sẽ không bao giờ gặp khủng hoảng cán cân thanh toán (nghĩa là có vấn đề trả nợ cho nước khác), vì Mỹ nhập khẩu và mượn nợ bằng chính đồng tiền của mình. Thứ hai, là đồng tiền quốc tế khiến nợ chính phủ Mỹ được xem là tài sản an toàn, được mua và trữ ở nhiều ngân hàng trung ương, giúp chính phủ Mỹ có thể mượn nợ với lãi suất gần bằng 0%. Ở mặt khác, Mỹ có thể mượn tiền với lãi suất thấp trong khi có thể đầu tư vào các tài sản rủi ro hơn của quốc tế để nhận lãi suất cao hơn. Những lợi thế này của Mỹ lớn đến mức người ta đặt một cái tên riêng cho nó: đặc quyền vô lý – exorbitant privilege.

Với nhiều đặc quyền thế này, có thể thấy Mỹ sẽ không ủng hộ đồng Bitcoin trên trường quốc tế. Tất nhiên, các nước khác Mỹ có thể tập trung lại và chọn đồng Bitcoin để thay cho đồng Đô la Mỹ, nhưng quay lại điểm thứ nhất: làm sao các quốc gia này có thể liên kết một cách bền vững với nhau?

Tiền ảo Nhà nước là tương lai thực tế hơn

Nói đến đây, chắc quan điểm của tác giả đã khá rõ: mặc dù Bitcoin là một hệ thống được vận hành theo một quy chuẩn rất thông minh, và giải quyết được các vấn đề kiểm chứng và phát hành tiền tệ theo hình thức phi tập trung, nó có những nhược điểm rất lớn, và không tốt cho việc quản lý vĩ mô từ cả phương diện nội địa và quốc tế. Đây là câu trả lời cho câu hỏi thứ nhất được đặt ra ở đầu bài.

Bây giờ đến câu hỏi thứ hai: liệu Chính phủ các nước sẽ có để cho Bitcoin tồn tại hay không?

Nhật Bản đã chính thức công nhận Bitcoin là đồng tiền hợp pháp, trong khi Trung Quốc đã cấm ICO và giao dịch trên các sàn tiền ảo. Mỹ vẫn đang im lặng và chưa tuyên bố quan điểm về đồng tiền ảo này. Nga đang trong quá trình cân nhắc xây dựng đồng tiền ảo của riêng mình – tên là CryptoRuble. Đáng lưu ý, đồng tiền ảo của Nga không cho phép đào mỏ, và sẽ được phát hành, điều khiển nguồn cung trực tiếp bởi nhà cầm quyền. Do đó, CryptoRuble sẽ không hề giống với tiền ảo dạng phi tập trung như Bitcoin.

Trong tương lai, tôi tin rằng các nước sẽ đồng loạt thay tiền giấy bằng tiền điện tử, nhưng là đồng tiền điện tử của chính phủ, được điều khiển và quản lý tập trung bởi chính phủ. Hành động này sẽ bỏ đi chi phí in tiền và chống rửa tiền tốt hơn. Hơn nữa, đồng tiền điện tử sẽ cho phép ngân hàng trung ương đánh lãi suất âm lên tài khoản tiền gửi – điều mà họ không thể làm với tiền giấy (vì sẽ không ai đi gửi tiền) [6].

Còn tiền ảo Bitcoin thì sao? Vì Bitcoin hay bất cứ tiền ảo phi tập trung nào cũng cạnh tranh trực tiếp với tiền ảo chính thức của nhà nước, đe dọa cả khả năng thực hiện tự do chính sách tiền tệ lẫn nguồn thuế seniorage tiềm năng của Nhà nước. Một nhà nước tốt sẽ lo mất tự do tiền tệ, còn một nhà nước không tốt sẽ lo mất nguồn thuế seniorage – nguồn thu từ lạm phát. Do đó, dù là Nhà nước tốt hay xấu thì cũng có động cơ để ngăn cản sự phát triển của Bitcoin về lâu dài.

Tương lai thực sự của Bitcoin ra sao, thời gian sẽ trả lời. Bài viết này cố gắng học từ những sự kiện lịch sử để dự đoán một ít về tương lai của Bitcoin, và tôi dự thấy tương lai này không tươi sáng lắm.

Còn cuối cùng, đây hoàn toàn là đoán mò, nhưng giá Bitcoin hiện giờ nhìn rất giống một cái bong bóng đầu cơ.

Châu Thanh Vũ

CHÚ THÍCH

[1] Một loại tiền tệ khác (mà chúng ta ít biết là tiền tệ hơn) là tài khoản tiền gửi ngân hàng (deposit) cũng hơi gặp vấn đề “một đồng tiêu hai lần”, nhưng không phải là vấn đề nghiêm trọng. Khi thanh toán bằng thẻ debit, bây giờ có người có thể tạm thời tiêu nhiều hơn số tiền có trong tài khoản, nhưng chỉ với điều kiện lượng giao dịch đủ nhỏ, và sau một vài ngày sẽ bị phát hiện và phạt bởi ngân hàng.

[2] Mỗi giao dịch, sau khi được kiểm chứng và gộp lại thành một khối (“block”) sẽ được nối vào một chuỗi dài (blockchain) các giao dịch đã từng diễn ra trong lịch sử. Khi một block đã được cập nhật vào blockchain, thì bản cập nhật sẽ được gửi đến tất cả những máy chủ tham gia kiểm chứng. Ý tưởng đơn giản ở đây là nếu đa số mọi người đều cùng nhìn thấy một phiên bản, thì phiên bản đó là phiên bản chuẩn nhất. Nếu chỉ một máy chủ hoặc nhóm nhỏ máy chủ gian lận thì sẽ bị phát hiện khi đối chiếu với phiên bản đa số.

[3] Ngày 15 tháng 8 năm 1971, TT Nixon (Mỹ) tuyên bố chính thức ngừng cho phép các nước đổi đồng USD lấy vàng theo tỉ lệ chuẩn, đồng nghĩa với việc rời hệ thống tài chính quốc tế Bretton-Woods lúc bấy giờ. Với hành động này, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã không còn bị ràng buộc về nguồn cung dollar bởi lượng vàng nắm giữ nữa. Từ đó, sức ảnh hưởng của vàng trong hệ thống tài chính quốc tế cũng giảm đi nhiều.

[4] Xin được so sánh sự khác biệt giữa đồng Bitcoin và hệ thống tiền tệ sử dụng vàng.

Thứ nhất, vì là đồng điện tử, đồng Bitcoin không gặp phải vấn đề chia nhỏ vì luôn có thể đi đến chữ số thập phân thấp hơn. Ngược lại, hệ thống đồng tiền vàng, nếu sử dụng đồng vàng thì rất khó chia nhỏ. Nếu là hệ thống in tiền giấy có thể quy đổi thành vàng thì có thể linh động hơn, vì có thể in tiền giấy với mệnh giá nhỏ hơn hoặc giảm tỉ lệ quy đổi. Dù gì đi nữa, tiền điện tử vẫn linh động hơn khi nói đến việc chia nhỏ.

Thứ hai, đồng Bitcoin về bản chất không có một giá trị nào cả, nhưng vàng lại có giá trị vì tính thẩm mỹ, trang sức, và bền vững của nó. Nếu nguồn cung cố định là đặc tính yêu thích duy nhất thì cũng chẳng cần đến Bitcoin, người ta có thể sử dụng đồng, kẽm, sắt, nhôm, Ma-giê,… Tuy nhiên, vàng lại nghiễm nhiên trở thành đồng tiền yêu thích của nhân loại trong lịch sử vì nó là một trong số ít kim loại (cùng bạc) không tan trong nước, không phản ứng nhiều với những hợp chất khác, không tự gỉ sét, có nhiệt độ nung chảy vừa phải,… và bản thân nó trở thành kim loại có giá trị thẩm mỹ cao. Nếu bỏ đi tất cả những giá trị trao đổi và giao dịch của một đồng tiền, thì vàng hiển nhiên có giá trị hơn Bitcoin.

[5] Hai nhóm này không phải không có sự khác biệt. Nhóm Tiền tệ – dẫn đầu bởi Milton Friedman – nghĩ rằng chính sách tiền tệ chỉ nên dùng để (1) đảm bảo tiền không phải là một cú sốc khác của nền kinh tế và (2) bình ổn lạm phát khi có những biến động lớn trong nền kinh tế.  Ngược lại, những nhà kinh tế thuộc trường phái Keynes và Tân Keynes tin rằng vì chính sách tiền tệ có vai trò bình ổn lớn hơn, không phải để thao túng phát triển kinh tế vượt mức hay dưới mức tự nhiên, mà là để sửa chữa những hậu quả gây ra bởi những sức cản khác của nền kinh tế như sự cứng nhắc của giá cả hoặc tiền lương.

[6] Giáo sư Ken Rogoff của Harvard viết rất rõ về vấn đề này trong quyển sách “The Curse of Cash”.

[7] Ngay cả thời mà tiền tệ ít được quản lý tập trung nhất là Thời Tự do Ngân hàng (Free Banking Era, từ năm 1837-1862) của Mỹ, thì giao dịch vẫn được kiểm chứng bởi ngân hàng địa phương.

7 Bình luận

  1. Mình chỉ quote lại thế này thôi:

    Sự phân tán của tiền Bitcoin có nguồn gốc lý tưởng dựa trên trường phái kinh tế học Áo, đặc biệt được thể hiện trong cuốn sách “Tiền tệ không quốc gia” (Denationalisation of Money: The Argument Refined) của Friedrich von Hayek, khi mà ông ta tin tưởng vào một nền kinh tế thị trường hoàn toàn tự do trong việc sản xuất, phân phát, điều hành đồng tiền để chấm dứt sự độc quyền của các ngân hàng trung ương. Hệ tư tưởng này đối nghịch với kinh tế học Keynes, là lý do giải thích việc có một số nhà kinh tế được giáo dục trong hệ tư tưởng này không ủng hộ Bitcoin.

    Thích

  2. Trong tương lai xa nếu đến khi cả thế giới dùng chung đồng Bitcoin (hay một ký hiệu tương tự nào đó) thì lúc đó tất cả mọi người không bị ràng buộc bởi biên giới, thể chế chính trị quốc gia, vùng, miền (là lúc bình đẳng, bác ái) và như vậy tất cả mọi người sống trên quả đất này có chung một niềm tin! Còn trong tương lai gần tôi đồng ý theo quan điểm của tác giả phân tích, mỗi nước sẽ có đồng tiền điện tử riêng và có tỷ lệ chuyển đổi giao dịch cả thế giới tùy theo tiến bộ, phát triển của mỗi nước.
    Rất cảm ơn tác giả cung cấp thông tin về Bitcoin.

    Thích

  3. Có rất nhiều đồng tiền ảo có giá trị về mặt kỹ thuật ưu việt hơn bitcoin, như giao dịch nhanh hơn (thời gian chuyển giữa các block nhanh hơn), có hợp đồng thông minh với bên thứ 3 nhưng giá trị (quy ra USD)đều ko = bitcoin, vì bitcoin có sớm nhất. Tương lai sẽ có đồng chiếm vị trí bitcoin.
    CEO Jamie Dimon của Morgan là người chỉ trích bitcoin nhiều nhất và chính ông ta góp phần làm bitcoin sụp giảm trong 1 vài ngày và sau đó nhờ vào tính minh bạch của mạng lưới blockchain mà người ta đã tìm ra 1 lượng lớn BTC đã được mua bởi Morgan và sau đó CEO tuyên bố sẽ không nói bất kỳ gì về BTC nữa.
    chủ tịch FED cũng nói rằng sẽ ko khôn ngoan nếu bỏ qua BTC.
    Vài lời thêm thắt cho vui từ người đang chơi BTC,
    Xét về khía cạnh làm giàu thôi thì ko có gì làm giàu nhanh = chơi BTC và các Altcoin. Chọn đúng altcoin thì tài sản của bạn sẽ x10 là ít. x100 hoặc x1000 là điều đã xảy ra.
    đây là trang thống kê mức độ tăng giá của các Altcoin.
    Rất khâm phục bạn, có đôi lời vậy, nếu muốn kiếm tiền thì chơi trade coin là 1 lựa chọn tuyệt vời.

    Thích

  4. Hi Mr. Vũ, em là Linh. Em chỉ là một người vô tình được biết anh qua Road to WeChoice. Bài viết về Bitcoincủa anh thật sự khiến người khác đọc vào thấy thoải mái và dễ hiểu. Em chỉ muốn hỏi anh về phần từ “Lạm phát” theo như em tra lại thì đó là từ seigniorage, thay vì seniorage như anh viết ạ.
    Cám ơn anh về bài viết này.

    Đã thích bởi 2 người

Bình luận về bài viết này