Uncategorized Đời sống

Gửi những kẻ dám mơ

1. Tuổi 20+ là một khoảng thời gian đáng sợ, vì đây là lúc chúng ta được cuộc đời tặng cho rất nhiều ước mơ nhưng lại hiếm khi được tặng kèm một lý do để tin vào những ước mơ ấy.

Nhiều bạn rất thích đi du học, nhưng hoạt động ngoại khóa hay các điểm số của các bạn chỉ thuộc loại khá. Có bạn lại thích muốn được trở thành bác sĩ, nhưng sức học lại thấp hơn mức cần thiết để vào được trường Y. Rồi cũng có bạn thích làm khởi nghiệp (start-up), nhưng chưa bao giờ được học, chưa bao giờ tìm ra người đồng chí hướng, hoặc chưa bao giờ tìm ra một ý tưởng mà không làm lũ bạn phì cười. Cứ như thế, hẳn ai cũng đã từng mơ về một nghề nghiệp yêu thích khi ngồi một mình, nhưng lại không dám kể cho phụ huynh vì không có lý do gì để thuyết phục được phụ huynh.

Ở tuổi 20, chúng ta được cuộc đời tặng cho rất nhiều ước mơ, nhưng lại hiếm khi được tặng kèm một lý do để tin vào những ước mơ ấy.

Ở tuổi 20, với sự thiếu trải nghiệm, cộng với áp lực của gia đình, của cơm áo gạo tiền, các bạn trẻ đành bỏ đi những giấc mơ trong tim để đi theo những con đường rập khuôn. Những con đường này tuy không phải là con đường yêu thích, nhưng được sắp đặt sẵn và an toàn hơn. Rồi một lúc nào đó, các bạn tự thuyết phục bản thân rằng giấc mơ chỉ dành cho số 0.1% sinh ra với tài năng bẩm sinh hoặc gia đình có điều kiện.

Vào một lúc nào đó, thế giới mất đi vài trăm triệu kẻ dám mơ.

Vào một lúc nào đó, thế giới mất đi vài trăm triệu kẻ dám mơ.

2. Gửi những-người-không-dám-mơ: Tôi muốn viết bài này để thuyết phục các bạn hãy đừng nên đầu hàng quá sớm. Đó là vì, dù thế giới có thể cho bạn một triệu lý do để từ bỏ giấc mơ của mình, vẫn còn 3 lý do để các bạn tiếp tục tin tưởng vào giấc mơ của mình:

Thứ nhất, cuộc đời không hoàn toàn bị khống chế bởi cơ hội, xác suất, và rủi ro.

Chúng ta thường thấy nản khi “tỉ lệ chọi” là quá cao. Các bạn học sinh phổ thông thường từ bỏ một ngành nghề vì tỉ lệ chọi của ngành đó ở đại học quá cao. Hay, một bạn đi xin việc có thể không dám nộp đơn vào một công ty vì tỉ lệ phỏng vấn thành công chỉ vỏn vẹn là 2%… Những con số phần trăm thấp như thế này thường làm chúng ta nản lòng, và nghĩ rằng có lẽ không nên thử ngay từ đầu.

Nhưng, những người chấp nhận đầu hàng đã quên rằng, nếu chúng ta chủ động để hoàn thiện bản thân, những con số phần trăm thành công đó sẽ không có ý nghĩa gì.

Thử nghĩ về việc mua vé số: Nếu cứ một trăm vé có một vé trúng, thì tỉ lệ thắng của bạn sẽ là 1%. Bạn sẽ hoàn toàn bất lực, không làm gì được ngoài việc cầu mong rằng người ta sẽ rút đúng số của mình – với xác suất 1%.

Nhưng, trong việc theo đuổi giấc mơ, chúng ta không chỉ biết ngồi chờ đợi số phận mình được định đoạt như khi mua vé số, mà luôn có thể tích cực thay đổi bản thân để có một xác suất thành công cao hơn. Nếu tỉ lệ phỏng vấn thành công một công việc là 2%, thì nếu nỗ lực để hoàn thiện bản thân mình, hoàn thiện hơn CV, chúng ta có thể đẩy con số này lên 50%, hay 70% hoặc hơn nữa.

Cuộc đời không hoàn toàn bị khống chế bởi cơ hội, xác suất, và rủi ro.

Thứ hai, theo tôi, không có hạn chót nào cho thành công.

Chúng ta thường nghĩ (một cách sai lầm) rằng mình phải ổn định sự nghiệp trước X tuổi, thành công trước Y tuổi, và lập gia đình trước Z tuổi. Việc đặt ra những hạn chót giả tạo cho bản thân như thế này thường hạn chế lựa chọn, khiến chúng ta loại ngay những cơ hội sự nghiệp khác mà tính rủi ro cao hơn.

Thời sinh viên ở Princeton, lúc đầu tôi rất ngạc nhiên vì có rất nhiều bạn bè tôi quyết định tạm nghỉ học ở trường 1 hay 2 năm gì đó để “khám phá lại bản thân”. Đây là một khái niệm khá mới đối với tôi, một đứa sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, nơi mà người ta đi học mẫu giáo năm 4 tuổi, tiểu học năm 6 tuổi, vào đại học năm 18 tuổi, và không được tốt nghiệp trễ hơn 22 tuổi. Khi tôi kể lại những câu chuyện về bạn bè tạm nghỉ học ở Princeton, các bậc phụ huynh Việt Nam thường ngạc nhiên và nghĩ rằng, chắc các bạn ấy học kém nên mới phải tạm nghỉ học như thế!

Thế nhưng thực ra tôi ngưỡng mộ họ. Họ là những người sống không có “deadline” (thời hạn) cho các kế hoạch của bản thân. Họ không buộc mình phải tốt nghiệp hay tìm được việc đúng thời hạn. Họ không ngại dành ra một hoặc hai năm để tìm hiểu lại những điều cá nhân mình thích. Họ không ngại đi chậm một chút, miễn là họ có thể tìm ra được con đường đúng đắn hơn cho bản thân.

Do đó, nếu có bao giờ các bạn sắp từ bỏ giấc mơ vì cảm giác rằng không còn thời gian nữa để theo đuổi nó, hãy suy nghĩ lại: ai đặt ra thời hạn cho bạn?

Nếu có bao giờ các bạn sắp từ bỏ giấc mơ vì cảm thấy không còn thời gian nữa, hãy tự hỏi lại: ai đặt ra thời hạn cho bạn?

Lý do cuối cùng mà tôi nghĩ khiến các bạn đầu hàng giấc mơ quá sớm là: các bạn thường quá nghiêm trọng hóa hậu quả của việc thất bại.

Nhiều người sợ thất bại vì quên rằng sẽ còn có nhiều lựa chọn thay thế. Họ bị stress quá mức vì suy nghĩ đó, và vì thế không dám chọn các con đường rủi ro.

Lúc tôi nộp đơn học tiến sĩ kinh tế, tôi chỉ chọn nộp vào các trường top 10 của Mỹ vì những trường này tập trung nhiều giáo sư tốt, là thiên đường của những người muốn đi theo con đường nghiên cứu.

Khi mấy đứa bạn thân hỏi, “nhỡ mày rớt hết tất cả thì sao? Hay là nộp cả những trường an toàn hơn? Hay là phỏng vấn xin việc cùng một lúc nữa, trong trường hợp không được vào học tiến sĩ?”, rồi tôi trả lời đùa rằng: “Rớt hết thì về Việt Nam làm nghệ sĩ đường phố cũng được mà!” (tôi hát thì có ma mới nghe…)

Đùa là thế, nhưng tôi cũng đã tự hỏi “chuyện gì sẽ xảy ra nếu mình không đạt được kế hoạch lý tưởng nhất,” và tự nhắc bản thân rằng trong hàng loạt sự nghiệp mình chưa thử – trở thành công chức Nhà nước, làm giáo viên, học nấu ăn để làm đầu bếp – hẳn sẽ có một thứ tôi làm được. Nhưng chuyện đó sau này hẵng tính. Lúc ấy tôi chỉ muốn làm một kẻ dám mơ, và cứ theo đuổi điều mình mong muốn nhất.

Đừng quá nghiêm trọng hóa hậu quả của việc thất bại!

3. Gửi những kẻ dám mơ: tuổi 20+ là một khoảng thời gian đáng sợ.

Nhưng, đây cũng là khoảng thời gian trong đời bạn được cho phép là những kẻ dám mơ. Đời có thể cho bạn một triệu lý do để từ bỏ giấc mơ, nhưng hãy nhớ 3 lý do để không đầu hàng mà tôi đã viết ở trên: (1) bạn có thể chủ động thay đổi cơ hội thành công của mình, (2) bạn không thực sự có một hạn chót nào cho sự thành công, và (3) thất bại thực ra không đau như bạn nghĩ.

Hãy thực tế, hãy nỗ lực thực sự, nhưng cũng đừng bao giờ lâm vào những lối mòn suy nghĩ mà quên đi quyền được mơ của mình. Tôi luôn tin rằng những điều tốt đẹp sẽ luôn đến với những kẻ dám mơ và nghiêm túc làm việc để đạt được những giấc mơ ấy.

Châu Thanh Vũ

*Tựa đề bài viết nhận cảm hứng từ bài hát “Audition (The Fools Who Dream)” trong bộ phim La La Land.

14 Bình luận

  1. Em chào anh. Em có điều thắc mắc xin được hỏi ý kiến anh. Lâu nay em vẫn không thể phân biệt được giữa kiên cường và bảo thủ. Khi mọi thứ dường như đang chống lại mình thì việc mình tiếp tục được gọi là kiên cường hay bảo thủ? Là tin tưởng vào bản thân hay mù quáng? Em không ủng hộ việc “kệ nó, cứ mơ đi, cứ làm đi”. Vì nếu mình biết dừng lại đúng lúc hẳn sẽ tiết kiệm được thời gian và nguồn lực đúng không anh?

    Đã thích bởi 1 người

  2. cảm ơn bài viết của bạn, thật sự rất inspiring cho tất cả mọi người không chỉ riêng giới trẻ. Nhưng có một điều mình cũng thật sự băn khoăn và cần ý kiến từ bạn – người mà theo mình là có lẽ đã là người đi trước, đó chính là: tiền bạc và tài chính TRONG thời gian và quá trình mà chúng ta phải tìm ra con đường cho bản thân mình, nó có thể từ đâu ra, vì những ước mơ và kế hoạch lớn thì, thường là cần sự vững chắc về mặt tài chính của cá nhân (và có thể từ cả gia đình). Phải chăng khi mà mãi đeo đuổi giá trị tiền bạc đấy mà người ta cũng vô tình đánh mất hay quên đi giấc mơ của bản thân mình, chúng ta cũng vô tình đi theo cái con đường mà bạn đề cập ở trên là “rập khuôn”, vì phải lấy ngắn, thì mới nuôi cái lâu dài được.

    Thích

Gửi phản hồi cho Linh Duong Hủy trả lời