Uncategorized Đời sống

Sự độc tài của người “thành công”

1.

Đã bao giờ bạn cảm thấy xung quanh mình có quá nhiều sách vở và bài viết dạy cách thành công chưa?

Thế giới càng ngày càng có nhiều người “thành công”, hoặc ít ra là bạn vừa tìm ra họ khi đi ra hiệu sách tuần này. Họ là những người đáng ngưỡng mộ, đã đạt được một số thành tích nào đó trong sự nghiệp của họ; và hơn hết, bạn tôn thờ cách sống của họ. Đã có lúc bạn tin rằng lời khuyên “Mỗi ngày tôi đều đọc báo 20 phút trước khi đi ngủ để tăng thêm kiến thức chính trị – xã hội” là một yếu tố dẫn đến thành công. Rồi, một tuần sau đó, một người thành công khác lại nói trong một bài phỏng vấn: “tôi thành công vì mỗi ngày, tôi đều say mê làm việc không ngừng nghỉ đến tận khuya, và không bận tâm đến những thứ không cần thiết.” Rồi bạn cũng tin như thế.

Đó là sự độc tài của người thành công: một khi ai đó đã đạt đến một tầm cao nào đó, những gì họ nghĩ, những thói quen làm việc của họ, và tất cả những điều họ nói đều là những điều đáng tin và đáng để bắt chước.

2.

Tôi cũng đã trải nghiệm qua cảm giác này. Một giáo sư toán ở ĐH Princeton từng bảo với tôi rằng ông là người thích hoàn thành công việc trước thời hạn, và ông đã hoàn thành luận án tiến sĩ (thường được nộp vào năm thứ 5) khi ông chỉ mới ở năm 2 của chương trình PhD. Từ lúc nghe câu chuyện đầy động lực đó, tôi cố gắng thay đổi bản thân, không “nước đến chân mới nhảy” nữa, mà cố gắng hoàn thành mọi việc sớm hơn kế hoạch.

2 năm sau đó, tôi vẫn là tôi như cũ: luôn hoàn thành bài tập, nghiên cứu chỉ vài ngày hoặc vài giờ trước hạn chót. Tôi trách mình vì sao sống không kỉ luật, không nề nếp. Thế nhưng, một hôm nghĩ lại thì, tôi cũng đâu có tệ hơn mấy so với các bạn học tập có nề nếp?

Câu hỏi này đã là một câu hỏi rất lâu, cho đến khi tôi đến Harvard. Thầy trưởng khoa Kinh tế một hôm thú nhận với chúng tôi rằng thầy cũng là người “nước đến chân mới nhảy”, và chỉ khi có hạn chót trước mặt, thầy mới có đủ áp lực và cảm hứng để sáng tạo. “Và như thế cũng okay” – thầy nói. “Tất nhiên là okay rồi” – tôi thầm nghĩ – “dù gì thầy cũng đang là trưởng khoa kinh tế của Harvard”.

Lúc đó tôi mới nhận ra rằng, khi bàn đến thói quen làm việc, cách sống, hay rộng hơn là lý tưởng, đạo đức, thì chẳng có ai là tuyệt đối cả, dù người đó có thành công đến thế nào đi chăng nữa. Cách làm việc của người này có thể đã giúp họ thành công, nhưng không chắc sẽ áp dụng được với bạn, dù bạn có cố gắng bắt chước họ đi chăng nữa.

3.

Mỗi ngày bạn có một tỉ lựa chọn: hôm nay mình học ở nhà, thư viện, nhà bạn mình, hay quán cafe? Mình nên dùng vở kẻ ngang hay kẻ dọc? Mình nên ngủ sớm rồi dậy sớm, hay ngủ muộn và dậy muộn? Danh sách những quyết định nhỏ này chắc chắn sẽ rất dài. Và bạn không biết điều mình làm hiện nay có đang đúng hay không. Do đó, bạn đi tổng hợp lời khuyên của những người thành công để áp dụng cho riêng bạn.

Học hỏi người khác là một điều tốt, nhưng có một phép thử quan trọng sau cùng mà bạn cần tự hỏi: Mình làm điều này có thoải mái không?

Nếu bạn là một đứa chỉ làm việc tốt ở chỗ đông người và ồn ào (như mình), thì đừng cố gắng trở thành một đứa hôm nào cũng vác sách ra thư viện (trong trường hợp của mình, vì thư viện quá im ắng, mình sẽ bắt đầu để ý đến tiếng bụi rơi). Nếu bạn là đứa hay thích học khuya vì lúc đó là lúc yên ắng và dễ tập trung nhất, hãy thuyết phục bố mẹ đừng ép bạn phải ngủ sớm (miễn là bạn thật sự thức để làm việc nhé!).

Cũng như cách chúng ta nhìn khác nhau từ khuôn mặt đến dáng vóc, nếp làm việc tối ưu cũng sẽ khác nhau. Và bạn hãy thừa nhận sự khác biệt đó, cố gắng tìm ra cách làm việc tốt nhất của mình, thay vì nghe lời một người thành công nào.

Cứ thoải mái và tập trung vào mục đích cuối cùng đi, rồi bạn sẽ “okay” như thầy của mình thôi.

Châu Thanh Vũ
Harvard, 6/11/2016

 

*Tựa đề của bài này được mượn từ quyển sách “The tyranny of expert” – tạm dịch là “sự độc tài của chuyên gia” – viết bởi GS William Easterly (NYU). Quyển sách này nói rằng không có một giải pháp chung nào của bất kì chuyên gia nào có thể giải quyết đói nghèo ở mọi nơi cả.

 

5 Bình luận

  1. I recently came up with the same conclusion as you. The idea of finishing things before deadline, staying atop of things 100% all the time was a bit haunting and I was burdened with guilt everyday although when talking to friends, they are not doing any better than I do. Then I realised that I’m letting other people’s idea of success dictate what I feel about my work, and I’m more comfortable in my shell now :). Thanks for the echo!

    Thích

  2. I used to read a lot of books which teach me some methods to success. After that, i take after of them but it’s not really useful to me. I think everyone has a life to live, so we should do things that we feel comfortable. Sr,i am practice wring, so it has a lot of grammar errors.

    Thích

Gửi phản hồi cho Vi Vi Hủy trả lời