Kinh tế Uncategorized

Công trình Nobel Kinh tế 2016: phiên bản dễ hiểu (phần 2)

Đây là bài thứ 2 của một loạt 3 bài. Xin nhấn vào đây để đọc phần 1 của loạt bài viết.

1 – Quyền sở hữu và Hợp đồng không hoàn chỉnh

Trở lại với GS Hart và thế giới đầy những hợp đồng không hoàn chỉnh của ông.

Ở phần 1, chúng ta đã thấy rằng trên thực tế, bởi vì có quá nhiều tình huống có thể xảy ra trong tương lai, không hợp đồng nào có thể liệt kê đầy đủ các bên nên làm gì trong từng tình huống được. Do đó, các hợp đồng trong thực tế thường là hợp đồng không hoàn chỉnh.

Ví dụ như, Vinamilk ký một hợp đồng mua sữa với nông dân nuôi bò sữa vào năm 2015. Đột nhiên, Brexit lại xảy ra vào năm 2016, làm giảm nhu cầu nhập khẩu sữa Vinamilk của Anh. Vì không lường trước được tình huống này, Vinamilk nếu muốn sản xuất ít hơn (vì nhu cầu tiêu dùng giảm) sẽ phải thảo luận lại hợp đồng với nông dân. Quá trình này sẽ tốn nhiều thời gian và công sức. Hủy bỏ hợp đồng sẽ tốn kém hơn, vì Vinamilk đã đầu tư máy móc chỉ có thể dùng để sản xuất sữa, nên bỏ hẳn hợp đồng sẽ rất lãng phí.

Câu hỏi được đặt ra là: nếu tương lai khó đoán như vậy, tại sao Vinamilk không mua luôn bò của nông dân để tự lập trang trại cho mình? Bằng cách đó, Vinamilk sẽ không cần viết hợp đồng gì mà chỉ cần ra lệnh thôi.

Đây thực sự là một câu hỏi có mặt ở khắp mọi nơi. Ở dâu có hợp tác sản xuất, chúng ta có thể nghĩ đến hai cách tổ chức sản xuất mà mỗi công ty phải lựa chọn:

  • Hợp tác bằng thị trường: các bên hợp tác sản xuất mua bán hàng hóa của nhau thông qua thị trường và cơ chế giá (Trong ví dụ: Vinamilk và các trang trại là hai công ty riêng biệt, mua bán sữa cho nhau theo một giá thị trường).
  • Hợp tác bằng cách sở hữu: một bên hợp tác sản xuất sở hữu bên còn lại (dưới dạng công ty con) và ra lệnh cho công ty con này sản xuất theo ý muốn (Trong ví dụ: Vinamilk mua hẳn các trang trại bò sữa).

Giả sử như chúng ta biết hết mọi tình huống có thể xảy ra trong tương lai, thì hai chế độ này không khác biệt gì nhau. Dù bên A không sở hữu bên B, A vẫn có thể “ra lệnh” cho B bằng một hợp đồng: “trong trường hợp X xảy ra vào ngày mai, hãy sản xuất Q và bán cho tôi với giá P.” Ngược lại, khi A sở hữu B, A vẫn có thể xem B như một công ty riêng biệt và mua bán, tính toán song phẳng với nhau. Nhưng vì chúng ta không thể biết hết tương lai, hai chế độ này sẽ khác nhau. Nói một cách khác: hợp đồng không hoàn chỉnh khiến quyền sở hữu trở nên quan trọng.

Nửa sau của bài này, và phần tiếp theo của loạt bài sẽ thảo luận một số ví dụ để làm rõ: khi nào thì các công ty nên tồn tại riêng biệt (và hợp tác bằng thị trường), và khi nào các công ty nên nhập vào (hợp tác bằng sở hữu).

2 – Ví dụ đơn giản nhất: sản xuất với 1 tài sản

Giả sử một nhà giàu tên Kola sở hữu một mảnh đất trên biển, có thể xây khách sạn để kinh doanh. Kola đang phân vân không biết nên tự mình đầu tư xây khách sạn và kinh doanh luôn, hay kêu gọi nhà đầu tư ở ngoài vào đầu tư xây khách sạn (để tiết kiệm) rồi chia chác.

Chắc tất cả chúng ta đều thoáng qua suy nghĩ “người sở hữu tài sản thì tự đầu tư luôn sẽ tốt hơn” – nhưng lý do tại sao thì thực sự không hề rõ ràng.

Để hiểu rõ hơn, giả sử có 2 kiểu khách sạn có thể xây:

  • Khách sạn kiểu X (xấu): tốn 0.1 đồng, doanh thu cho thuê phòng của 50 năm kinh doanh dự kiến tổng cộng 1 đồng.
  • Khách sạn kiểu Đ (đẹp): tốn 0.4 đồng, nhưng doanh thu cho thuê phòng 50 năm dự kiến là 3 đồng.

Tuy nhiên, vì Kola sở hữu mảnh đất, nếu có chuyện gì xảy ra trong tương lai, ông là người có lợi nhất (vì cái khách sạn vẫn nằm trên đất của ông). Trong thế giới của hợp đồng không hoàn chỉnh, vì Kola là người sở hữu tài sản, nếu có chuyện không lường được xảy ra, ông có được những lợi ích mà các nhà đầu tư ngoài không có. Hãy tạm gọi lợi ích này là lợi ích điều khiển còn lại (residual rights of control).

Để đơn giản hóa câu chuyện,  chúng ta sẽ mô phỏng lợi thế này của Kola bằng cách giả sử ngoài việc cho thuê phòng, Kola có thể dùng khách sạn để cho khách lẻ vào chụp hình trong vườn, và thu tiền riêng cho mình. Hoạt động này rất khó kiểm chứng, do đó các nhà đầu tư không thể viết hợp đồng bắt Kola chia doanh thu từ hoạt động này được. Giả sử doanh thu từ việc cho khách lẻ chụp hình là 0.5 đồng nếu khách sạn xấu, và 1.5 đồng nếu khách sạn đẹp.

Từ phương diện của một người ngoài, khách sạn xấu mang lại tổng lợi nhuận:

1 đồng (cho thuê phòng) + 0.5 đồng (cho chụp ảnh) – 0.1 đồng (tiền xây) = 1.4 đồng.

Trong khi đó, khách sạn đẹp mang lại:

3 đồng (cho thuê phòng) + 1.5 đồng (cho chụp ảnh) – 0.4 đồng (tiền xây) = 4.1 đồng.

Rõ ràng, từ góc nhìn của người thứ 3, xây khách sạn đẹp là phương án tối ưu vì mang lại tổng lợi nhuận cao hơn. Trong kinh tế, kết quả tốt từ góc nhìn của xã hội được gọi là kết quả tốt nhất-nhất (first-best).

Nếu Kola trực tiếp đầu tư xây khách sạn, ông cũng sẽ lường trước được cả những lợi ích phụ của khách sạn (cho chụp ảnh), và cũng sẽ đồng ý là nên xây khách sạn đẹp (đạt được kết quả tốt nhất-nhất).

Ngược lại, xem xét trường hợp Kola không trực tiếp đầu tư mà mời người khác đầu tư, rồi chia cho họ 14% lợi nhuận thu phòng (lợi nhuận duy nhất có thể viết vào hợp đồng). Nhà đầu tư sẽ chọn phương án xây khách sạn nào?

Từ phương diện của người đầu tư , nếu xây khách sạn đẹp, họ sẽ được nhận 14%*3 từ tiền thuê phòng trừ đi 0.4 đồng tiền xây, lời 0.02 đồng. Khi xây khách sạn xấu, họ sẽ được nhận 14%*1 đồng từ tiền thuê phòng, trừ đi 0.1 đồng tiền xây, lời 0.04 đồng! Do đó, các nhà đầu tư sẽ chỉ xây khách sạn xấu (không đạt được kết quả tốt nhất-nhất).

Trong ví dụ này, bởi vì xây lên khách sạn đẹp hầu như chỉ mang lại lợi ích cho Kola thông qua những hoạt động mà không thể viết vào hợp đồng (doanh thu chụp ảnh cao), nhà đầu tư thà xây khách sạn xấu còn hơn. Như vậy, nếu Kola giao cho người khác đầu tư, xã hội sẽ không đạt được kết quả tốt nhất-nhất! (Tự dưng ở đâu sẽ mọc lên một cái khách sạn xấu…)

Trong thực tế nói chung, vì người sở hữu một tài sản có quyền điều khiển còn lại (quyền sử dụng tài sản giả sử như hợp đồng bị phá vỡ) so với các nhà đầu tư ngoài, người sở hữu có lợi thế hơn. Nhận thấy được việc này, nếu nhà đầu tư ngoài được cho phép đầu tư, họ sẽ không nhiệt tình bằng nếu như người sở hữu đầu tư (vì có những lợi ích họ không có được). Như vậy, điều nên làm là người nào sở hữu tài sản cũng nên đầu tư sản xuất luôn.

Ví dụ này một lần nữa nhấn mạnh vai trò của hòa nhập: khi sản xuất chỉ dùng 1 tài sản, một cá thể nên sở hữu hết toàn bộ tài sản đó để có thể mạnh dạn đầu tư đúng mức.

Tuy nhiên, ở phần 3 của loạt bài, chúng ta sẽ thấy rằng khi có 2 tài sản phải được kết hợp với nhau để sản xuất ra sản phẩm, thì không phải lúc nào cũng nên khuyến khích một công ty mua và sở hữu cả công ty còn lại.

Mọi người đón đọc phần 3 trong vài ngày nữa nhé 🙂

Châu Thanh Vũ
Harvard, 18/10/2016

 

4 Bình luận

  1. Anh ơi, có một số thắc mắc em không hiểu ở đoạn xây khách sạn cho thuê phòng. Hình như có gì đó không đúng. 1) Trong bài viết anh ghi: “Bởi vì xây lên khách sạn đẹp hầu như chỉ mang lại lợi ích cho Kola thông qua những hoạt động mà không thể viết vào hợp đồng (doanh thu chụp ảnh cao), nhà đầu tư thà xây khách sạn xấu còn hơn.” Em nghĩ cái này không đúng. Giả sử như Kola không lấy thu nhập gì ngoài trừ tiền cho thuê nhà, thì các nhà đầu tư vẫn không dại gì mà xây nhà đẹp. Lí do đơn giản thôi:
    + Xây nhà xấu mất 0.1 đồng mà lợi 1 đồng, tức lời 10 lần
    + Xây nhà đẹp mất 0.4 đồng mà lời chỉ có 3 đồng, tức là Thì chắc chắn nhà đầu tư sẽ chọn xây nhà đẹp, và những trường hợp trên chẳng liên quan gì đến việc là chủ sỡ hữu có lấy lợi ích khác từ khách sạn hay không. Việc nhà đầu tư chọn xây nhà xấu vì bản chất cái hợp đồng đó cho họ giá trị cao nhất, và không có phần nào không được ghi trong hợp đồng làm giảm đi giá trị họ sẽ được nhận cả. (Việc chụp hình của chủ sở hữu không làm giảm giá trị nhà đầu tư nhận được, dù là nhà đẹp hay xấu)

    2) Với lại hình như trong bài anh chỉ đang giả sử cái khách sạn chỉ sử dụng được trong vòng 50 năm thôi rồi sẽ xuống cấp không sử dụng được nữa thì phải. Vì nếu sau vài trăm năm thì chắc chắn nhà đầu tư sẽ lời nếu xây nhà đẹp trong bài viết của anh, bởi vì tiền bỏ ra đầu tư thì chỉ có một lần trong khi tiền lời sẽ lấy mỗi 50 năm.

    Thích

  2. Em thấy ví dụ thứ hai không hợp lý khi nhà đầu tư đi xây khách sạn mà chỉ được nhận có 14% tiền lời. Trong thực tế không phải tình huống tương tự nếu có nhà đầu tư thì chỉ đầu tư 14%-20% số vốn của việc xây sao? Ở đây có vẻ như nếu bỏ qua tiền đất (anh ko đề cập tới) thì xây khách sạn đẹp sẽ tối ưu hoá lợi nhuận.

    Thích

Nhận xét về le vu Hủy trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

%d người thích bài này: