Kinh tế Uncategorized

Lý do thực sự vì sao không nên dạy tiếng Trung ở trường THPT

Châu Thanh Vũ (Harvard, 25/9/16)

Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 là vấn đề đang được dư luận và các chuyên gia sôi nổi thảo luận với nhiều ý kiến trái chiều. Việc thêm 4 ngoại ngữ, bao gồm tiếng TQ, vào “nhóm ngoại ngữ bắt buộc” đã khiến không ít bộ phận dư luận cảm thấy bức xúc, phần vì không hiểu được vì sao tiếng TQ lại là “ngôn ngữ bắt buộc” cho người Việt, phần khác vì chương trình học vốn đã nặng giờ lại thêm cồng kềnh.

Thực ra, rất nhiều lý do phản đối đã hiểu sai bản chất của đề án, trong khi lại quên đi vấn đề thực sự: đề án thiếu khả thi, hiệu quả, ôm đồm, và khó hòa hợp với thị trường lao động.

NHỮNG ĐIỀU HIỂU SAI

Cụm từ “bắt buộc” đã gây hiểu lầm cho dư luận. Thực ra đề án chỉ buộc học sinh học một ngoại ngữ, không nhất thiết phải là tiếng Trung. Nếu muốn, học sinh vẫn có thể chọn học tiếng Anh như từ trước đến nay. Chương trình học cũng không nặng thêm: những học sinh yêu thích tiếng Trung hay Nga không còn phải học song song với tiếng Anh nữa, mà chỉ học một môn thôi.

Cũng không nên lo lắng rằng nhiều học sinh sẽ chuyển sang học tiếng Trung thay tiếng Anh, vì lo lắng này là không có cơ sở. Dù gì đi nữa, học ngoại ngữ  là nhu cầu công việc và sở thích của mỗi cá nhân. Khi nào tiếng Anh còn là ngôn ngữ giao tiếp quốc tế phổ biến, thì vẫn sẽ tự nhiều học sinh chọn học tiếng Anh. Cả Bộ GD lẫn dư luận không nên quyết định ngoại ngữ nào được học và đến mức nào.

Như GS Ngô Bảo Châu đã phát biểu: “Học sinh được chọn ngoại ngữ để học là tiến bộ,” vì cho học sinh lựa chọn vẫn tốt hơn khi không có sự lựa chọn.

KHÓ HÒA HỢP VỚI THỊ TRƯỜNG

Một trong những mục đích quan trọng nhất của đào tạo ngoại ngữ là chuẩn bị kỹ năng cần thiết cho đội ngũ lao động tương lai. Do đó, số lượng học sinh biết tiếng Nga, Trung, Anh nên được xác định bởi yếu tố cung/cầu của thị trường lao động, điều chỉnh thông qua lương được trả.

Hiện nay, việc dạy ngoại ngữ được thực hiện chủ yếu bởi khu vực tư nhân, và quy mô đào tạo có thể linh động hơn để hòa hợp với thị trường lao động.

Một khi Bộ GD thầu việc dạy các ngoại ngữ này vào chương trình phổ thông, để đảm bảo đầu tư giáo trình, số lượng giáo viên, và cơ sở vật chất tương xứng với nhu cầu học của học sinh, Bộ GD cần thu thập một lượng thông tin rất lớn từ thị trường lao động.

Cũng giống như mọi cơ chế lên kế hoạch tập trung khác, khi không thu thập đủ thông tin về nhu cầu học và nhu cầu tuyển lao động để điều chỉnh kịp thời, rất dễ xảy ra tình trạng “thừa thầy thiếu học sinh” hoặc ngược lại.

Đề án này tuy có mục đích tốt cho học sinh, nhưng lại khó hoạt động hiệu quả được.

VẤN ĐỀ MUÔN THƯỞ: KHÓ ĐỒNG BỘ GIỮA CÁC TỈNH VÀ THÀNH PHỐ

Không nói đâu xa, ngay cả công tác dạy tiếng Anh bằng một chương trình quốc gia như hiện nay đã gặp phải một vấn đề nghiêm trọng: tình trạng “cào bằng” giữa các địa phương.

Sự khác biệt giữa điều kiện cơ sở vật chất và giáo viên giữa thành phố lớn và tỉnh lẻ khiến việc dạy học tiếng Anh không hiệu quả. Nếu chuẩn quá cao, các tỉnh lẻ sẽ không đủ nhân lực để đảm bảo. Do đó trong thực tế, các chuẩn thi cử đều bị giới hạn bởi những gì các địa phương có thể làm được.

Vì chuẩn đầu ra không cao, khó ai có thể tự tin rằng một học sinh chỉ học tiếng Anh ở nhà trường có thể tự tin dùng để làm công việc đòi hỏi Anh văn. Cuối cùng, người học vẫn phải học ở các trung tâm tư nhân để tự nâng cao trình độ mà thôi.

Bây giờ, nếu thêm cả tiếng Nga, Trung, Pháp, và Nhật vào nhóm bắt buộc, và lại xây dựng một chương trình chuẩn quốc gia cho mỗi thứ tiếng, chúng ta sẽ lặp lại sai lầm cũ thêm 4 lần nữa. Thay vì một cơ chế mà những ai cần học để kiếm việc cho tương lai có thể học ở thật sâu, thật kĩ ngoài tư nhân, thì Bộ lại đang đề xuất một cơ chế mà các bạn học sinh sẽ học chỉ để đối phó với thi cử.

VAI TRÒ CỦA GIÁO DỤC PHỔ THÔNG

Theo tôi, giáo dục phổ thông là để đào tạo cho học sinh những đạo đức, kĩ năng, và kiến thức cơ bản nhất mà dù ai làm nghề gì cũng cần. Những kiến thức chuyên biệt hơn nên được đào tạo bởi tư nhân và các bậc học cao hơn. Ở Mỹ, không phải học sinh nào cũng học toán tích phân ở trường phổ thông, vì kiến thức này chỉ có ích cho một nhóm học sinh cụ thể.

Theo tôi, một hướng phát triển tốt cho giáo dục VN là bỏ đi tâm lý ôm đồm, rằng tất cả phải được dạy ở trường phổ thông. Đề án NNQG 2020 là ví dụ lớn nhất của tâm lý ôm đồm ấy.

Một chính sách có thể có một mục đích tốt, nhưng cũng cần phải cân nhắc tính khả thi, hiệu quả, và cái giá thời gian và tiền bạc mà xã hội sẽ phải gánh khi thực hiện chính sách ấy.

Chính những cân nhắc này mới là lý do thực sự tại sao Bộ GD không nên thêm 4 ngoại ngữ mới vào chương trình giáo dục phổ thông VN.

 

1 Bình luận

  1. Quá chuẩn luôn! Có thể thấy Bộ gd quá ôm đồm, quá tham vọng trong khi năng lực có hạn. Vụ đề án 2020, ai đang tham gia thì chắc chắn hiểu là hiệu quả của nó không cao. Khi phỏng vấn những gv đi học nâng cao trình độ ngoại ngữ theo đề án, họ nói: bắt thì phải học thôi vì có học cũng không dùng tới, hoặc nó quá xa vời so với thực tế họ giảng dạy ở các cấp phổ thông. Vd họ đc học cách thiết kế 1 giờ dạy với 4 kỹ năng nhưng thiết bị nghe thiếu, lớp đông mấy chục em, lại là hs tỉnh lẻ, đến thuyết phục trẻ đến trường còn khó chứ đừng nói đến học ngoại ngữ!

    Thích

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

%d người thích bài này: