Uncategorized Đời sống

Yêu nước như thế nào?

Tôi viết bài này từ góc nhìn của một người yêu nước.

Tòa trọng tài PCA đã đưa ra tuyên bố yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý, là một chiến thắng của công lý cho Philippines và là động lực tinh thần lớn đối với Việt Nam từ đây về sau. Có lẽ đây là lần đầu tiên sau vụ giàn khoan HD981 mà người Việt Nam lại sôi sục, lại một lòng phản ứng, đấu tranh trên các mặt trận thông tin với Trung Quốc như thế. Thế nhưng, cũng giống như lần giàn khoan 981, tôi lại thấy một sự lúng túng của dân tộc mình.

Treo cờ trên Facebook, kêu gọi tẩy chay dàn sao Hoa ngữ vì ủng hộ Chính phủ họ, chia sẻ thông tin với nhau trên mạng,… là một số ít các phương thức thể hiện lòng yêu nước mà tôi chứng kiến được trong những ngày gần đây. Và điều này nhìn chung là tốt, rất tốt. Quốc gia mình sẽ không ra gì nếu chúng ta đón nhận một thông tin lớn như quyết định của Tòa trọng tài PCA với sự thờ ơ. Sự đoàn kết, đồng lòng của mọi người là cực kỳ cần thiết.

Nhưng tôi xin nói lên ý kiến của cá nhân mình: chúng ta không thể lấy lại Hoàng Sa, Trường Sa chỉ bằng những dòng status, chia sẻ, kêu gọi, hay bài văn hóa Trung Quốc.

Trước khi đọc tiếp, các bạn hãy thử suy nghĩ lại. Ngày hôm qua, sau khi chia sẻ thông tin về PCA, thay ảnh đại diện có đường lưỡi bò, và kêu gọi tẩy chay văn hóa Trung Quốc, bạn đã làm gì? Bạn đã học hết mình hay đi kiếm Pokemon Go? Bạn đã cật lực sản xuất hay đi uống bia ngoài đường? Hôm ấy cũng như mọi hôm bình thường, bạn có gắn sự căm ghét Trung Quốc của mình với những hành động cụ thể không?

Tự hào dân tộc là tốt, nhưng chúng ta cũng hãy đừng quên sự thật: Việt Nam vẫn còn là một quốc gia phát triển không đủ tiềm năng, kinh tế yếu, nợ công cao trong khi đầu tư công hiệu suất thấp, và giáo dục còn loay hoay không rõ lối phát triển. Sự giận dữ thể hiện bằng những dòng status trên mạng chỉ là sự giận dữ, nhưng chỉ khi sự giận dữ ấy được sử dụng làm động lực để gắng sức học tập, làm việc, và xây dựng đất nước thì mới có ý nghĩa.

Khi tôi còn bé, mỗi lần vấp ngã, bố mẹ đều bảo với tôi: “Nín đi, đừng khóc. Đứng dậy nào.” Té thì ai chẳng đau, và đau thì ai mà chẳng muốn khóc? Bây giờ, tôi cũng cảm nhận như thế. Cái cảm giác Tổ quốc mình bị khinh thường, bị o ép vì yếu thế hơn; cảm giác thức dậy mỗi sáng không biết người ta đã lấy thêm của mình bao nhiêu tấc đất; cảm giác không biết khi nào người ta lại kéo giàn khoan vào biển của mình chắc là một nỗi đau mà là người Việt Nam yêu nước ai cũng hiểu. Tuy nhiên, khi chúng ta tức giận, đăng status, bài văn hóa, tẩy chay sao TQ,… thì đối với người ta, người Việt cũng chỉ như một đứa bé đang khóc, đang ấm ức vì không làm được gì. Và đúng vậy, điều duy nhất chúng ta có thể làm hiện nay là đứng lên.

Nói về tự hào dân tộc, tôi rất khâm phục người Nhật. Vào thế kỷ 19, tướng Mỹ Matthew Perry dẫn đầu một đoàn tàu chiến đến buộc người Nhật mở cửa thương mại (ngoại giao bằng tàu súng – gunboat diplomacy). Tình huống này đã làm tê liệt chính quyền Shogun của Nhật lúc bấy giờ, vì khả năng của Nhật lúc ấy không thể nào chống chọi được với các thế lực phương Tây. Trong những thập kỷ tiếp theo, người Nhật bị ép buộc phải ký hàng loạt hiệp định thương mại bất lợi cho mình (unequal treaty), và việc bị o ép bởi phương Tây đối với Nhật cũng như một nỗi nhục quốc thể.

Thế nhưng, họ đã không đầu hàng. Một mặt chịu nhục để giữ hòa bình với phương Tây, mặt khác nhanh chóng lật đổ chính quyền shogun hèn nhát, đưa Thiên hoàng Minh Trị trở lại nắm quyền, nhanh chóng cách tân đất nước, cử người du học nước ngoài. Chỉ trong vòng ít hơn 50 năm đã đem nước Nhật ngang hàng với các thế lực phương Tây, đánh bại Nga, và xâm chiếm thành công Hàn Quốc. Sau khi thất bại nặng nề ở Thế chiến thứ 2, người Nhật lại làm điều thần kì khi phát triển kinh tế nhanh chóng và biến mình thành nền kinh tế lớn thứ 2 Thế giới cuối thế kỉ 20.

Làm được những điều kì diệu này một phần lớn chắc phải nhờ vào niềm tự hào dân tộc và tinh thần trách nhiệm đối với quốc gia của mỗi người Nhật. Và niềm tự hào dân tộc này không phải là nói suông, mà là những cảm xúc đã được biến thành hành động cụ thể, lao động cật lực để đem đến sự phát triển thật sự cho đất nước.

Hôm nay, nước Việt Nam mình đang đứng trước một thách thức mới, một thách thức trong thời bình. Chúng ta đang ở một vị trí yếu thế, bị Trung Quốc khinh thường và thách thức. Chúng ta có thể lựa chọn chỉ dừng lại ở sự giận dữ, căm ghét, và ấm ức. Nhưng tốt hơn thế, chúng ta có thể lựa chọn khắc sâu sự ấm ức đó vào lòng, để rồi cố gắng hết sức xây dựng, phát triển đất nước.

Lựa chọn như thế nào là tùy mỗi người, nhưng tôi chỉ mong chúng ta hãy thực sự suy nghĩ, yêu nước là phải như thế nào mới phải.

Châu Thanh Vũ
Harvard, 13/7/2016

1 Bình luận

  1. Reblogged this on kimmi and commented:
    “…Hôm nay, nước Việt Nam mình đang đứng trước một thách thức mới, một thách thức trong thời bình. Chúng ta đang ở một vị trí yếu thế, bị Trung Quốc khinh thường và thách thức. Chúng ta có thể lựa chọn chỉ dừng lại ở sự giận dữ, căm ghét, và ấm ức. Nhưng tốt hơn thế, chúng ta có thể lựa chọn khắc sâu sự ấm ức đó vào lòng, để rồi cố gắng hết sức xây dựng, phát triển đất nước.
    Lựa chọn như thế nào là tùy mỗi người, nhưng tôi chỉ mong chúng ta hãy thực sự suy nghĩ, yêu nước là phải như thế nào mới phải.”

    Thích

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

%d người thích bài này: