Uncategorized Đời sống

Sống, và những điều chúng ta (mặc định mình) có

1.  Mỗi sáng thức dậy, có bao người tự hỏi mình rằng:

  • Chúng ta làm được gì khi chúng ta còn trẻ và khỏe?
  • Chúng ta có nói chuyện với bố mẹ trên bàn ăn không, hay ăn vội và chỉ dán mắt vào TV?
  • Chúng ta làm gì khi đến lớp – học hay tụ tập bàn chuyện thần tượng với bạn bè?

Trước khi suy nghĩ về vấn đề trên, mình muốn giới thiệu đến các bạn một từ tiếng Anh.

2. Khi còn nhỏ, mình có lần hỏi ông anh: “Anh ơi, từ ‘take something for granted‘ dịch sang tiếng Việt là gì ạ?” Là một người chăm đọc sách tiếng Anh, anh ấy biết rõ từ ấy có nghĩa là gì, nhưng mãi hồi lâu vẫn không thể tìm ra một khái niệm gãy gọn tương đương trong tiếng Việt để giải thích cho mình. 7 năm trôi qua rồi, mình vẫn chưa biết từ ấy dịch ra tiếng Việt như thế nào.

Nếu dịch một cách dông dài thì từ ấy nói về chuyện chúng ta sở hữu một cái gì đó và mặc nhiên điều đó thuộc về mình. Và thường, khi chúng ta mặc định mình có cái gì, chúng ta sẽ ít khi trân trọng điều ấy. (Để viết gọn hơn, mình sẽ tạm dịch từ này bằng cụm từ “mặc định sở hữu”).

Chẳng hạn như, chúng ta mặc định là mình sở hữu tình thương của bố mẹ. Chúng ta rất dễ nghĩ bố mẹ chăm sóc chúng ta là chuyện bình thường, vì đó là nghĩa vụ cơ bản của người làm bố mẹ. Khi khỏe mạnh, chúng ta mặc định sở hữu sức khỏe – vì chúng ta nghĩ rằng con người ai bình thường mà chẳng không khỏe mạnh? Nếu may mắn lớn lên trong một gia đình ăn no mặc ấm, chúng ta mặc định sở hữu quyền đi học, quyền được xem TV trong thời gian rảnh,…

3. Nhưng, sống mà mặc định mọi thứ là sở hữu của mình là một lối sống cực kì nguy hiểm. Nói thế là vì bạn thực sự không biết bạn sẽ mất đi những điều ấy khi nào.

Cuối tuần vừa rồi, Trần Lập mất. Vài hôm trước đó, mình mới vừa nghe câu chuyện một đứa bạn phải trải qua một căn bệnh hiểm nghèo. Rồi mình cũng đã được nghe câu chuyện của những người bạn khác hoặc đột nhiên bị mất thị lực, hoặc có bố mẹ ly hôn, hoặc vì hoàn cảnh gia đình khó khăn mà phải từ bỏ giấc mơ của mình.

Tất cả những câu chuyện này đều là những yếu tố ngẫu nhiên – sinh, lão, bệnh, tử, giàu sang và nghèo khó, hạnh phúc hay tuyệt vọng – và có lẽ dù mình có cố gắng giải thích bằng cách nào đi nữa cũng không thể nào lý giải nổi tất cả những bất công trên đời. Có lẽ không ai sẽ trả lời được vì sao một người luôn sống hết mình như Trần Lập lại phải mất, trong khi nhiều người trẻ khác đang sống phí hoài thời gian. Rồi mình tự hỏi, vì sao một đứa luôn sống vui vẻ, tốt với mọi người như bạn của mình lại phải chịu cảnh gia đình tan vỡ. Lý do tại sao chúng ta gọi những điều này bất công, là vì không có một logic nào có thể giải thích được nó.

4. Không chỉ những điều cơ bản (và quan trọng) như sức khỏe hay tình cảm gia đình, chúng ta thường không trân trọng rất nhiều giá trị mà mình có trong cuộc sống, và điều này diễn ra dưới muôn hình vạn trạng.

Sáng nay mình vừa bước ra khỏi khoa, thì một thầy – giáo sư Elhanan Helpman, một trong những người phát minh ra lý thuyết thương mại mới, mở đường cho những nghiên cứu thương mại quốc tế hiện đại – bước lại để hỏi thăm. Nhận ra rằng mình không có ô, thầy dùng cái ô nhỏ của thầy để che cho cả hai khi thầy trò vừa đi vừa nói chuyện. Mình nói chuyện với thầy 10 phút về những dự định nghiên cứu mùa hè của mình, và thầy góp ý. Sau khi thầy nói chuyện xong và đi xuống trạm tàu điện ngầm, mình mới nhận ra rằng mình chưa nói chuyện với thầy từ rất lâu.

Lúc học ở Princeton cũng thế. Một trong những nguyên nhân khiến mình chọn Princeton là khi mình đến thăm trường, mình đã đi lạc và vô tình đi ngang khán phòng của trường khi đang có một dàn nhạc giao hưởng biểu diễn. Mình lúc đó đứng ngoài nghe rất chăm chú, và nghĩ thầm “Nếu mình đến đây thì sẽ được nghe những buổi hòa nhạc này thường xuyên”. Thế mà, khi vào trường rồi, mình chỉ đi nghe 1 buổi hòa nhạc mỗi năm.

Rồi trước đây khi học ở Việt Nam và UWC, cơ hội tiếp xúc những diễn giả nổi tiếng khá ít ỏi, nên mình cũng ít khi đi nghe. Khi đến Princeton rồi, chưa bao giờ mình ở một môi trường mà đông giới trí thức, và đông nguyên thủ các nước đến thăm như thế. Đến năm 2 ở Princeton, mình đã bị bão hòa và không còn hứng thú đi dự các buổi nói chuyện của tổng thống các nước hay các diễn giả nổi tiếng nữa.

Đấy, cái nguy hại của mặc định sở hữu là thế. Ngay cái giây phút mình nhận ra rằng mình có tất cả những điều ấy, và có thể tiếp cận những quyền lợi này bất cứ lúc nào, thì đó cũng là lúc mình dừng trân trọng và sử dụng những quyền lợi mình được trao.

5. Dạo gần đây, mình ngộ ra rằng việc sống làm sao cho tốt và việc mặc định sở hữu là hai điều khá dính liền với nhau. Trở lại 3 câu hỏi ở đầu bài, nếu bạn chưa bao giờ nghĩ về những điều ấy, hãy nhớ rằng sẽ có những đứa bạn của bạn thèm được mạnh khỏe như một người bình thường, thèm có một gia đình như một người bình thường, và thèm được đi học như một người bình thường.

Cuộc đời mỗi người là của riêng, và mình tin rằng bản thân không nhất thiết phải so sánh với ai, hay phải có suy nghĩ mình sống cho ai. Tuy nhiên, mình tin rằng, chỉ khi nào chúng ta quý những điều chúng ta đang có, chúng ta mới có thể sống mãnh liệt hơn, tận dụng tốt những điều xung quanh hơn, và giữ được nhiều mối quan hệ hơn.

Châu T. Vũ

Cambridge, 23/3/2016

 

2 Bình luận

  1. Về đoạn bất công, trước kia đã có những lúc em cảm thấy giống anh. Nhưng rồi, tới một thời điểm em nhận ra mọi thứ xảy ra trong đời dù tốt dù xấu đều dường như có một lý do nào đó với mình hoặc với những người xung quanh. Thời điểm hiện tại có thể bản thân không hiểu được lý do đó, nhưng sau đó, khi có một độ lùi thời gian nhất định thì sẽ hiểu ra lý do cho những điều xảy ra trước đó.
    Ta sẽ không là ta của ngày hôm nay, nếu không có ngày hôm qua, dù nó tốt hay xấu, có đúng không ạ?
    Còn lại thì thật sự là đồng cảm với anh anh ạ, lối sống mặc định sở hữu khiến cho ta phải hối hận nhiều điều trong cuộc sống khi đã vô tình không trân trọng nhiều điều trong đời

    Thích

  2. Gần đây mới biết đến và đọc các bài viết của cậu. Hôm nay t mới đọc được bài này mặc dù đã được viết khá lâu. Thật sự đọc bài viết của c thấy cảm động và thấy như được đồng cảm . Thấy mình cần phải biết trân trọng từng khoảnh khắc của cuộc sống hơn, giống như người Nhật có câu‘‘Nhất kỳ- Nhất hội‘‘vậy.

    Thích

Bình luận về bài viết này