Ngày mai đã là Ngày Nhà giáo Việt Nam ở nhà rồi.
Tính đến hôm nay, mình đã được dạy dỗ bởi rất nhiều thầy cô trong đời. Từ cô Bé – người khẽ tay khi mình viết xấu hồi lớp 1, cô Du – người mắng mình khi ham nói chuyện trong lớp hồi lớp 2, đến thầy Thanh Hùng của trường Phổ Thông Năng Khiếu – người “mời” mình vào văn phòng hiệu phó uống trà để nhắc mình nên tập trung hơn cho đội tuyển tin học, và sau này là các giáo sư kinh tế của Princeton mà mình đã nhắc đến khá nhiều ở những bài khác. Hôm nay, nhân dịp Nhà giáo Việt Nam, mình xin viết về hai thầy cô mà, theo mình nghĩ, đã có ảnh hưởng lớn nhất trong thời đi học của mình: cô Hà, và chú Quang.
1. Cô Hà là cô giáo chủ nhiệm của mình năm lớp 9. Cô dạy Văn, môn học mà một đứa thích học Toán – Tin như mình lúc ấy không hề quan tâm gì đến. Mặc dù thế, vì những bài giảng của cô lúc đó “khá” cuốn hút, mình bắt đầu cảm thấy môn học này có nhiều cảm xúc hơn và không chỉ là những dòng thơ, đoạn văn mình phải học thuộc và phân tích một cách máy móc. Đến nay mình không còn nhớ nhiều về văn học Việt Nam, nhưng những tác phẩm gây ấn tượng nhất mà mình còn nhớ như “Con Cò”, “Nói Với Con”, hay “Đồng Chí”, chắc không phải do ngẫu nhiên, đều thuộc Ngữ Văn lớp 9.
Năm lớp 9, mình cũng là lớp trưởng của lớp nên đã rất được cô thương, xin làm gì cho lớp cô đều ủng hộ hết mình. Ấy thế mà, một hôm mình đã làm cô khóc. Hôm ấy, khi cô vừa vào lớp và chuẩn bị giảng bài “Kiều ở lầu Ngưng Bích,” thằng lớp trưởng cứng đầu của cô lúc bấy giờ đột ngột đứng phắt dậy và nói:
– “Thưa cô, xin cho em từ chức lớp trưởng ạ.”
– “Em làm tốt như thế sao lại xin từ chức?” – cô hỏi, tuyệt đối không hiểu chuyện gì đang xảy ra.
– “Dạ thưa cô, em muốn tập trung ôn thi chuyên, và làm lớp trưởng rất tốn thời gian ạ.” – Mình ngang bướng.
Cô đề nghị mình ngồi xuống và sẽ giải quyết chuyện này riêng sau. Nhưng, mình của năm lớp 9 chắc phải là thằng cứng đầu nhất quả đất, quả quyết sẽ không ngồi xuống học chừng nào cô chưa chiều theo yêu sách của mình. Sau hơn 1 tiếng thuyết phục mình không xong, cô không còn cách nào khác buộc phải bỏ lớp đi ra ngoài. 5 phút sau, nghe cô giáo khác bảo, “Vũ làm gì mà cô Hà đang ngồi khóc trên thư viện thế kia?”, mình cực kỳ hốt hoảng, liền chạy đến thư viện để xin lỗi cô. Cũng may là hôm đó, cô đã không đồng ý cho mình từ chức và đã để cho mình kết thúc trọn vẹn 4 năm học làm lớp trưởng của cái lớp 9/3 ấy, và được làm nhiều điều mà sau này nghĩ lại vẫn thấy vui.
Từ hôm đó, mình và cô trở nên thân hơn. Cô biết mình muốn thử sức thi vào trường Phổ Thông Năng Khiếu ở Sài Gòn, liền đề nghị sẽ dạy ôn thi cho mình miễn phí. Không có giáo viên nào như cô: đã dạy học miễn phí, đã vậy hôm nào mình đến học cũng được cô cho ăn rất nhiều “da-ua” (yogurt). Cho đến buổi học cuối cùng với cô, cô đã giúp mình hệ thống lại toàn bộ văn học lớp 9 để thi chuyên, chỉ ngoại trừ bài “Kiều ở lầu Ngưng Bích” – bài mà mình đã không cho cô dạy ở trường hôm ấy. Buổi học cuối cùng ở nhà cô, vì trong đầu mình chỉ có những hộp sữa chua cô làm, mình đã đề nghị cô liên hoan cuối năm thay vì học bài “Kiều ở lầu Ngưng Bích”. (Trớ trêu thay, khi mình thi vào chuyên Tin Năng Khiếu, đề bài môn Văn năm ấy đã là: “Em hãy phân tích bài Kiều ở lầu Ngưng Bích”. Bài học xương máu là từ giờ không nên cãi lời thầy cô nữa!)
Từ lúc đậu Năng Khiếu cho đến bây giờ cũng đã 8 năm rồi, nhưng suốt quãng thời gian ấy, cô Hà lúc nào cũng xem mình như đứa con học xa nhà, còn mình xem cô như người mẹ thứ hai vậy. Cô hay thường xuyên nhắn tin hỏi thăm, hỏi chuyện bên này và kể chuyện ở nhà. Mỗi lần đi học về thăm nhà, cô đều dẫn mình đi ăn và mua sắm chuẩn bị cho năm học mới. Cũng có lúc mình tự hỏi tại sao hai cô trò lại thân nhau đến như vậy, nhưng chắc đó là câu hỏi thừa.
Lý do rất đơn giản: cũng như bố mẹ mình, khi tất cả những người khác quan tâm hỏi mình “nghiên cứu của em có tốt không?” thì điều cô Hà quan tâm nhất là, “mùa đông rồi, trời trở lạnh, em mặc có đủ ấm không?”
2. Chú Quang là người thầy còn lại mình muốn trân trọng ngày hôm nay. Chú Quang là người đã dạy thêm toán cho mình vào năm lớp 9; mọi người gọi chú là “chú” thay vì “thầy” đơn giản bởi vì thực ra chú Quang không phải là thầy giáo, và cũng không tham gia giảng dạy trên trường lớp. Nhưng, chú Quang là người đã đào tạo biết bao thế hệ học sinh giỏi, thay đổi cuộc đời của biết bao nhiêu đứa như mình. Sự thật là, nếu năm lớp 9 không được chú Quang giảng dạy, chắc thằng học trò trường làng như mình đã không bao giờ đậu được vào ngôi trường Phổ Thông Năng Khiếu.
Mình đến với chú Quang cũng rất tình cờ. Vì Chú Quang thường chỉ nhận một số lượng nhất định học sinh, xin được vào học lớp của chú là một điều hết sức khó khăn, và thường phụ huynh phải đăng ký từ năm lớp 7. Năm lớp 9, khi mình muốn tìm thầy tốt để ôn thi, mình đã bảo mẹ dẫn đến xin học chỗ của chú, dù biết hi vọng xin vào được là không cao. Hay không bằng hên, hôm ấy, có một cậu học trò vì lười biếng nên bị chú Quang cho nghỉ học, vì thế bỗng dưng có một suất trống trong lớp, và mình đã xin được vào ngay. Lâu lâu mình nghĩ lại vẫn buồn cười, vì nếu hôm ấy cậu học trò đó đã không lười biếng, thì cuộc đời mình chắc đã sẽ đi theo một chiều khác hẳn.
Chú Quang dạy toán cho tụi mình một tuần 10 buổi (chiều mỗi ngày, và tối 2-4-6), và nhận tiền từ mỗi đứa 30 nghìn đồng 1 tháng. Dù cho là mệnh giá cho 8 năm về trước đi chăng nữa, thì số tiền đó cũng chỉ đủ để ăn 1.5 đến 2 bát phở. Thế mà chú dạy miệt mài, xem học trò là niềm vui (mỗi lần chú bệnh phải cho học trò nghỉ học là chú rất buồn), liên tục cho mình thấy toán học đẹp (và khó) như thế nào.
Trước khi vào học chỗ chú, mình đã tưởng mình học ok vì điểm lúc nào cũng trên chín phẩy. Tuần đầu tiên vào học, mình mới nhận ra mình đã không làm được những bài tập dễ nhất của chú. Ngày thứ 2 đi học, mình giải một bài sai trầm trọng và đã bị chú mắng, “Trời ơi, cái cháu gì mới vô học kiểu gì mà mất căn bản dữ vậy?” (Lúc đó chú cũng chưa nhớ tên mình là gì) Lúc bị mắng mình đã rất buồn, nhưng nhờ “gáo nước lạnh” ngày hôm ấy mà mình đã có động lực hơn, nhiều hôm thức đến 4h sáng để ráng giải bài tập của chú. Thấy chú dạy hăng say quá, mình cũng học hăng say theo. Thấy chú mê toán quá, mình cũng mê toán theo.
Sau này sang Princeton, mình được khoa toán thuê giảng toán giải tích đa biến (multivariable calculus) cho sinh viên năm 1 và 2. Dù chương trình có khó hơn và khác so với những gì mình học toán của chú, cách tiếp cận vấn đề, cách đặt câu hỏi “mình nên bắt đầu từ đâu?”, những mẹo vặt, suy nghĩ nhanh trong toán đều chịu ảnh hưởng rất lớn từ chú Quang. Phải nói là mình đã cố gắng copy cách dạy của chú rất nhiều, và đôi khi được nhiều em sinh viên năm 1 gửi email cảm ơn, bảo “Các giáo sư khác giảng rất khó hiểu, nhưng nhờ cách nghĩ, cách làm bài mà anh chỉ trên lớp mà tụi em thi rất tốt.”
—————–
Cuộc đời giống như một con đường dài với nhiều ngã rẽ: một số ngã rẽ sẽ tốt hơn, và một số không tốt cho lắm. Mình cảm thấy rất may mắn vì trong những lúc quan trọng nhất (đặc biệt là những năm cuối cấp) đều đã gặp được những người thầy cô giúp mình rẽ sang hướng đi tốt nhất cho bản thân. Nhân dịp 20/11, mình nhớ và biết ơn tất cả những thầy cô đã từng dạy dỗ mình. Đặc biệt, qua bài viết này, mình rất biết ơn cô Hà và chú Quang đã rẽ mình sang con đường dẫn đến ngày hôm nay. 🙂
“Nếu hôm ấy cậu học trò đó đã không lười biếng, thì cuộc đời mình chắc đã sẽ đi theo một chiều khác hẳn”… Bỗng có cảm giác tui là người có khả năng thay đổi số phận một con người (dù đắng lòng thay… theo nghĩa hơi quái đản tí)
ThíchThích
Hơi vô duyên một chút nhưng anh còn nhớ cô Chi dạy tin học chứ anh? 😀
ThíchThích