Uncategorized Đời sống

Chuẩn bị cho UWC

Học bổng UWC thật sự là một cơ hội đã thay đổi cuộc đời của nhiều người. Tuy nhiên, vì mỗi năm số lượng học bổng khá ít so với số lượng hồ sơ, không thể phủ nhận rằng dù gì đi nữa kì tuyển chọn UWC cũng là một sự cạnh tranh gắt gao. Chính vì thế, nhiều bạn học sinh đã không dám nộp vào UWC và đầu hàng ngay từ trước khi dám thử sức mình. Hôm nay mình viết bài này không phải để khuyến khích các bạn nên cố gắng hết sức cho cơ hội này nữa (điều mà mình đã viết rất dài ở đây). Mình viết bài này để các bạn hiểu rõ hơn về UWC và những gì cần làm để chuẩn bị mình cho UWC để sau khi đọc xong, các bạn có thể tự quyết định cho bản thân một cách đúng đắn hơn.

Lưu ý: Mặc dù là một cựu học sinh UWC, những gì viết dưới đây là suy nghĩ cá nhân của mình và không thể hiện quan điểm chung của UWC Việt Nam hay UWC nói chung.

Vì bài viết khá dài nên mình liệt kê ra trước ở đây những gì mình nghĩ các bạn nên làm để chuẩn bị cho UWC. Để đọc chi tiết hơn thì hãy đọc cả những phần ở dưới nữa nhé!

17 điều cần làm để chuẩn bị cho học bổng UWC

  1. Tạo thương hiệu riêng cho bản thân.
  2. Làm thật tốt những điều mình đặc biệt giỏi.
  3. Biết rõ: 3 điểm mạnh của bạn là gì? Điểm yếu lớn nhất là gì?
  4. Hãy làm gì đó đặc biệt!
  5. Đừng đổ lỗi cho hoàn cảnh (nghĩa là, đừng bảo “Em không tham gia hoạt động xã hội nào vì ở quê em không có gì cả!”)
  6. Tự tạo cơ hội cho bản thân mình.
  7. Theo đuổi sở thích (ngoài học tập) của cá nhân.
  8. Tìm hiểu về UWC từ website của UWC Việt Nam và uwc.org
  9. Biết mỗi trường UWC khác nhau ở những điểm nào. Bạn thích trường nào nhất?
  10. Chọn đúng người để viết thư giới thiệu cho bạn. (Nghĩa là, hãy chọn người hiểu bạn, thay vì vị trí cao.)
  11. Bảo giáo viên của bạn đừng giới thiệu cho bạn kiểu gạch đầu dòng. Bạn cũng đừng chỉ nộp cho giáo viên của bạn những thành thích và hoạt động của bạn để giáo viên chép lại dựa vào đó, mà hãy bảo giáo viên của bạn viết những gì thật lòng nhất.
  12. Nói chuyện với các anh chị từng được UWC. Tìm hiểu xem xuất phát điểm của họ là gì. Tại sao hồi đó họ lại được trao học bổng?
  13. Đừng lãng phí mùa hè. Các bạn ở các thành phố lớn sẽ có cơ hội để tham gia rất rất nhiều summer camp hay hoạt động các thứ. Các bạn ở tỉnh cũng hãy thử tìm hiểu những cơ hội này để tham gia.
  14. Nếu đã làm hết từ 1-13 mà vẫn còn thời gian, hãy học đàn guitar (hay ukulele, sáo, trống, violon,…), hoặc học một ngoại ngữ khác (tiếng Nhật! ^_^), chơi một môn thể thao nào khác,…
  15. Hãy dành đủ thời gian để viết essays cho UWC. Những bài viết tốt không được viết qua đêm, mà đã được chuẩn bị từ 1 tháng trước và đã qua 12 bản nháp.
  16. Nhờ người đọc essay cho bạn, đánh giá hồ sơ cho bạn. Rất dễ để tự đánh giá cao/đánh giá thấp bản thân mình.
  17. Cuối cùng, khi nộp hồ sơ, hãy kiểm tra lại để đảm bảo rằng bạn đã có đủ các phần. (Đã có em nộp hồ sơ mà quên gửi thư giới thiệu…)

Chúc các em may mắn! 🙂
(NẾU THẬT SỰ QUAN TÂM, HÃY ĐỌC PHẦN CÒN LẠI CỦA BÀI VIẾT Ở DƯỚI!)

————————

(1) Về tiêu chí tuyển chọn của UWC:

  • Tiếng Anh: Hồ sơ của UWC Việt Nam không đòi hỏi TOEFL hay IELTS hay bất kì bằng tiếng Anh nào cả. Nếu bạn giỏi tiếng Anh, điều này sẽ giúp bạn thể hiện bản thân tốt hơn ở vòng phỏng vấn; tuy nhiên đây là một điều kiện đủ chứ không phải điều kiện cần.Đã có nhiều trường hợp học sinh được chọn trao học bổng không giỏi tiếng Anh cho lắm (ví dụ như, hồi đó mình còn phải nhờ bạn học chuyên Anh dạy phát âm lại từ đầu để đi phỏng vấn…), đơn giản bởi vì UWC hiểu (1) những bạn đến từ các tỉnh, thành khác nhau có điều kiện học tiếng Anh khác nhau, và (2) một cá nhân không thể được đánh giá chỉ bằng khả năng Anh ngữ. Vậy nên, phải nói rằng học bổng UWC là học bổng rộng rãi nhất cho học sinh trong khoản tiếng Anh. 🙂
  • Hoạt động xã hội: Có một ý kiến chung cho rằng để được học bổng UWC thì phải có một bảng dày thành tích về hoạt động xã hội. Nhìn chung mình khá đồng ý về ý kiến này, và những học sinh được chọn của UWC thường cân đối rất tốt giữa việc học và hoạt động xã hội, kĩ năng siêu cần thiết khi các bạn sống ở UWC.Tuy thế, có 2 lỗi mà các bạn hay mắc phải: (1) Tham gia hoạt động xã hội chỉ để có cái tên ghi vào hồ sơ học bổng, và (2) lý giải rằng các bạn không tham gia hoạt động xã hội không phải vì lười biếng, mà ở nơi các bạn sống không có hoạt động xã hội gì để tham gia cả.

    Về lỗi thứ nhất, các bạn kiểu này thường không được đánh giá cao cho lắm, đặc biệt là khi UWC bắt đầu có vòng phỏng vấn qua Skype. UWC sẽ hỏi các bạn rất kĩ về “tại sao bạn tham gia một hoạt động này”, “hoạt động này có ý nghĩa gì đối với bạn”, và “mức độ tham gia của bạn như thế nào”. Một người chỉ tham gia hời hợt cho có cái tên hoạt động trong hồ sơ sẽ không có câu trả lời tốt cho những câu hỏi này.

    Về lỗi thứ hai, đúng là có thể hiểu được những bạn từ các tỉnh lẻ sẽ ít có môi trường hoạt động xã hội để các bạn tham gia hơn là các bạn từ thành phố lớn. Tuy nhiên điều mà UWC không muốn nghe là sự đổ lỗi cho hoàn cảnh. UWC là một môi trường đòi hỏi học sinh phải biết sáng tạo và tự bắt đầu, tạo dựng cái mà mình muốn làm. Do đó, nếu ở tỉnh các bạn không có hoạt động gì, hãy tạo ra câu lạc bộ cho riêng mình và truyền cảm hứng cho các học sinh khác. Điều này sẽ khiến bạn là một ứng cử viên cực kỳ ấn tượng.

  • Về sở thích cá nhân: Mình khi phỏng vấn các bạn học sinh thường hay xoáy vào chuyện các bạn thích gì, và các bạn đã làm gì để theo đuổi sở thích của mình. Tiếc rằng các bạn học sinh Việt Nam thường đặt sở thích của mình sang một bên để tập trung vào việc học.Phải nói rằng, sau khi đã trải qua rất nhiều môi trường học tập khác nhau (trường Phổ Thông Năng Khiếu, UWC-USA, Princeton), mình để ý rằng những bạn thành công nhất là những bạn biết dành ít nhất 3-5 giờ mỗi tuần để làm cái gì đó mình thích: đi câu cá, chơi đàn, chạy bộ, làm thơ, nhiếp ảnh,… Đây là những con người mà khi làm việc, họ làm hết sức mình (nghĩa là, không phải đọc một trang sách rồi nhìn vào Facebook 2 tiếng đồng hồ), rồi biết cách dành cho bản thân một khoảng thời gian để theo đuổi sở thích cá nhân. Vậy nên, các bạn cũng hãy biết dành thời gian để làm điều mình thích nữa nhé!

    Một điều quan trọng nữa là, hãy xác định thật rõ mình thích điều gì. Mình đã từng nghe các bạn phỏng vấn cho UWC trả lời kiểu:
    – “Em rất thích Toán ạ”.
    – “Hay quá. Em thích lĩnh vực nào trong Toán nhất?”
    – “Dạ bất đẳng thức ạ.”
    – “Hãy kể tên 3 bất đẳng thức em thích nhất.”
    – (Nghĩ 2 phút) “Dạ em chỉ nhớ bất đẳng thức Cauchy (Cô-si) thôi ạ”
    Rõ ràng, nếu bạn thực sự thích bất đẳng thức thì không thể nào trả lời phỏng vấn nửa vời kiểu thế này. Vậy nên, đừng tự đánh lừa bản thân và đừng cố đánh lừa ban tuyển chọn. Hãy biết mình thích gì, và hãy theo đuổi sở thích đó.

(2) Những điều cần làm để chuẩn bị cho UWC:

Chắc sau khi đọc xong phần trên, các bạn cũng có một chút khái niệm về những gì cần làm để chuẩn bị cho học bổng UWC. Mình viết cụ thể hơn ở dưới đây:

  • Tạo thương hiệu riêng cho bản thân: Nếu bạn là dạng học nhiều, thì hãy học thật tốt và có giải thật cao. Nếu bạn là dạng hoạt động xã hội, thì hãy làm một hoặc hai hoạt động nào đó thật tâm huyết và đem lại hiệu quả (mà có thể đánh giá được) cho một nhóm người nhất định. Nếu bạn là dạng nghệ thuật, hãy vẽ, sáng tác nhạc, chụp ảnh, etc. thật nhiều rồi gửi portfolio kèm theo hồ sơ của bạn. Nói chung, hãy tạo thương hiệu cho riêng mình, để khi người đọc hồ sơ của bạn có thể nhớ ngay: “À em A là em học sinh mà rất giỏi trong việc X”. Nếu bạn viết xong bộ hồ sơ rồi lại có cảm giác là “không biết đọc hồ sơ của mình xong, người ta sẽ nghĩ về mình như thế nào?” thì hồ sơ của bạn đang ở mức trung bình hoặc dưới trung bình, nghĩa là bạn sẽ không được.
  • Làm gì đó bất thường: Hãy tự tạo club cho bản thân rồi thu hút, 10+ thành viên tham gia. Hoặc, bạn có thể tự làm một nghiên cứu khoa học của riêng mình về làm sao để xử lý nước thải nơi mình sống. Hoặc, bạn có thể đọc 100 quyển sách. Hãy làm điều gì đó mà khi UWC đọc hồ sơ hoặc phỏng vấn bạn sẽ phải nói “Wow em này giỏi quá”.
  • Đừng đổ lỗi hoàn cảnh: UWC sẽ hiểu cho hoàn cảnh của bạn, còn bạn hãy đừng tự thông cảm với hoàn cảnh của mình. Điều cuối cùng mà UWC muốn nghe là

    “Dạ xin lỗi, tại em ở dưới quê nên em không có làm gì hết, cũng không dám tự lên mạng trao đổi tiếng Anh, cũng không tham gia thi học sinh giỏi gì hết.”

    Đặt mình vào vị trí của người tuyển chọn, nếu bạn nghe ai đó nói như thế này, bạn có chọn người ta không? Một câu trả lời tốt hơn là:

    “Dạ, dưới quê em không có hoạt động nào hết, nên em đã tự tụ tập các bạn mỗi tuần một lần để đến chơi với các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn”

    “Dạ, ở quê em không có trung tâm tiếng Anh nào hết, nhưng mà em cố gắng lên mạng đọc báo tiếng Anh để tự trao dồi. Nhưng mà vì thế nên giao tiếp của em cũng còn dở, mong ủy ban tuyển chọn thông cảm.”

    Nghe các bạn cố gắng đến như thế thì ủy ban nào cũng thông cảm với các bạn cả!

  • Tìm hiểu về các trường UWC và chọn trường yêu thích của bạn: Có RẤT nhiều các bạn học sinh mà khi nộp đơn đến UWC không biết gì về các trường UWC cả! Các bạn chỉ biết chung chung là UWC là một cơ hội để các bạn đi du học, mà không biết là UWC có những ưu điểm nào, từng trường, từng trường khác nhau ở chỗ nào; trường nào gây hứng thú cho các bạn nhất,…
    Nếu mình phỏng vấn, mình thường thích các bạn thật sự hứng thú với môi trường UWC chứ không chỉ hứng thú với việc “mình sẽ được đi du học”.

Viết đến đây cũng đã dài rồi. Hy vọng những dòng này sẽ giúp các bạn hiểu hơn một ít về UWC và có sự chuẩn bị đúng đắn. Nếu có câu hỏi gì hãy comment ở đây hoặc nhắn tin trên Facebook cho mình.

Chúc các bạn may mắn.

——————

Harvard, 11/7/2015.

3 Bình luận

  1. Chú chào Vu T. Chau,

    Chú có cháu mới được UWC email báo vào vòng phỏng vấn Kype năm 2018, do em nhà chú đang học lớp 11 nên cũng chưa tham gia ứng tuyển bào giờ, chú có tham khảo các thông tin và đọc bài chia sẻ của Cháu.

    Các chia sẻ của cháu từ 2015 và rất hữu ích, tuy nhiên không biết cháu có vào kiểm tra blog/check comment bài viết của mình không, chú hy vọng cháu có thể chia sẻ về kinh nghiệm phỏng vấn trước đây của UWC VN đặc biệt vòng Skype…

    Chú xin cảm ơn trước và mong cháu bớt chút thời gian chia sẻ nhé
    Lam

    Thích

Bình luận về bài viết này