Kinh tế

Một vài suy nghĩ về TPP

Nhiều người đã hỏi mình nghĩ gì về Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) sau khi hiệp định này đàm phán xong vào ngày 5/10/2015. Bởi vì nội dung của hiệp định vẫn còn được giữ bí mật, những gì chúng ta đọc được chỉ là một số chương về môi trường, quyền sở hữu trí tuệ và bảo vệ đầu tư được đăng trên Wikileaks, và cũng bởi vì mình không phải là chuyên gia về thương mại quốc tế nên mình sẽ không khẳng định rằng mình có ý kiến nào thú vị hay đáng tin để nói về TPP. Tuy nhiên từ góc nhìn của một người học kinh tế, mình viết ra dưới đây một số điều chúng ta nên suy nghĩ về chúng khi nói về TPP.

Tại sao Việt Nam lại được cho vào TPP?

Hiện tại, TPP gồm có 12 nước thành viên: Nhật Bản, Việt Nam, Brunei, Malaysia, Singapore, Úc, New Zealand, Canada, Mexico, Peru, Chile, và Hoa Kỳ. Những nước thành viên này rất khác biệt về trình độ phát triển kinh tế, bao gồm cả những nước đã phát triển như Mỹ, Nhật, Úc đến những nước đang phát triển như Việt Nam, Mexico, và Peru. Đáng lưu ý rằng Việt Nam là nước có thu nhập bình quân đầu người thấp nhất trong 12 thành viên (xem biểu đồ dưới). Nhiều người đã hỏi mình rằng, vậy tại sao những nước khác lại cho Việt Nam tham gia TPP? Là một quốc gia với dân số và thị trường tiêu thụ khổng lồ, cũng như một nền kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào thương mại (tổng khối lượng thương mại chiếm 165% GDP trong năm 2013), Việt Nam là một đối tác rất tốt cho những nước phát triển khác. Một câu hỏi đáng hỏi hơn là, “Việt Nam có lợi gì khi tham gia TPP hay không?”

TPP members

(Dữ liệu từ Ngân hàng Thế giới)

Lợi ích từ thương mại

Nhiều người hiểu lầm rằng khi tham gia TPP, một nước nhỏ như Việt Nam chỉ cầm chắc phần thua, vì chúng ta không có công nghệ và những ngành công nghiệp phát triển như Mỹ hay Nhật. Thực ra khó khăn khi tham gia TPP là , nhưng không phải bắt nguồn từ sự thua kém về công nghệ như mọi người vẫn nghĩ.

Lý thuyết kinh tế học từ lâu đã chỉ ra rằng các nước khi tham gia thương mại đều có lợi, ngay cả khi một nước có công nghệ thua kém hơn ở tất cả các ngành so với những nước còn lại trong khối thương mại. Ý tưởng này xuất phát từ David Ricardo, một nhà kinh tế học người Anh ở thế kỉ XVIII, người đã dạy chúng ta rằng miễn là một nước sản xuất sản phẩm mà nước đó làm tốt nhất, thì nước đó sẽ hưởng lợi từ thương mại. Cụ thể, giả sử Việt Nam sản xuất lúa gạo và điện tử, trong đó vì đặc thù nhân công, họ sản xuất lúa gạo tốt hơn điện tử. Nếu không tham gia thương mại, Việt Nam sẽ phải gồng gánh chuyện sản xuất điện tử, ngành mà Việt Nam không tốt bằng. Khi tham gia thương mại với Nhật Bản, Việt Nam chỉ cần tập trung chuyên môn sản xuất lúa gạo (và xuất sang Nhật), để rồi nhập khẩu hàng điện tử của Nhật, thì cả Nhật Bản lẫn Việt Nam đều hưởng lợi từ việc mở rộng thương mại và chuyên môn hóa này.

Một lý thuyết khác là lý thuyết Heckscher-Ohlin về thương mại, nhấn mạnh về sự khác biệt giữa các nguồn lực sản xuất của một quốc gia, thay vì sự khác biệt về công nghệ như thuyết Ricardian. Lý thuyết này chỉ ra rằng một khi mở rộng thương mại, Việt Nam sẽ được hưởng giá cao hơn cho các sản phẩm từ các ngành nặng về lao động – nguồn lực mà Việt Nam có nhiều – như dệt may hay nông nghiệp, tăng khối lượng sản phẩm, và tăng lương cho lao động ở các ngành này.

Tuy cả 2 thuyết này đều bị đơn giản hóa quá mức, chúng chỉ ra được những lý do tại sao một nước nhỏ như Việt Nam có thể tham gia tự do thương mại nhiều và nhiều hơn nữa, mà vẫn hưởng lợi từ việt tham gia sân chơi của các nước lớn. Cứ tưởng tượng nông dân Bình Thuận có thể xuất khẩu thanh long sang Úc và hưởng giá cao hơn ở thị trường quốc tế vì Úc trước đây có rất ít thanh long, và sẵn sàng trả giá cao cho trái cây này. Cùng lúc đó, những người nông dân này có thể mua được máy tính bảng rẻ hơn từ Nhật chẳng hạn. Thu nhập cao hơn và giá rẻ hơn khiến lương thực tế của người Việt Nam được nâng cao.

Những câu hỏi quan trọng

Với phần bàn luận nói trên, việc sở hữu công nghệ kém hơn và có một nền kinh tế/xã hội/chính trị với những đặc thù khác biệt so với những nước khác không phải là lý do tốt để lý luận rằng Việt Nam không nên tham gia TPP. Những câu hỏi quan trọng hơn mà chúng ta nên hỏi là:

(1) Tham gia TPP sẽ ảnh hưởng đến bất bình đẳng thu nhập như thế nào? Ai được, ai mất?
(2) Dẫu biết rằng lý thuyết không đúng hoàn toàn trong thực tế, nhưng nếu thực sự hai lý thuyết kể trên sai, thì những đặc điểm nào của Việt Nam và của TPP sẽ khiến chúng ta không được hưởng lợi ích từ TPP như lý thuyết dự đoán?
(3) Mục đích phát triển kinh tế lâu dài của Việt Nam là gì, về mặt cơ cấu nền kinh tế, và liệu TPP có phù hợp với mục đích đó của chúng ta không?
(4) Chúng ta nên theo đuổi chiến lược nào để hưởng lợi ích tốt nhất từ TPP?

Chúng ta hay nghe trên báo đài về “Lợi ích và thách thức” của việc tham gia TPP, nhưng ít ai có một ý tưởng rõ ràng về việc lợi ích gì và thách thức gì. Theo mình, đây là 4 câu hỏi mà chúng ta nên cố gắng trả lời khi nghĩ về TPP. Dưới đây mình sẽ đưa ra những điều mình nghĩ/dự đoán lần lượt về 4 câu hỏi này. Nhưng xin hãy lưu ý rằng những điều viết dưới đây không được dựa trên một phân tích cụ thể với số liệu thực tế (do đó, đây không phải là cái mà mình nghĩ là một bài phân tích kinh tế tốt). Do đó, xin hãy giới hạn những ý tưởng viết dưới đây về kiểu “những điều chúng ta nên lưu ý” mà thôi.

TPP và (bất) bình đẳng thu nhập

Đây là một vấn đề khá mới, và hiện vẫn được nghiên cứu bởi những chuyên gia thương mại quốc tế hàng đầu của thế giới. (Không liên quan, nhưng giáo sư Elhanan Helpman của Harvard, người đang dạy lớp thương mại quốc tế của mình, vừa được trao giải Jean-Jacques Laffont cho nghiên cứu về thương mại và bất bình đẳng thu nhập của thầy). Một cách sơ bộ nhất, mình nghĩ rằng vốn là một nước tập trung vào cách ngành nặng về lao động, khi tham gia TPP, thu nhập của nông dân, công nhân dệt may, và công nhân của các ngành công nghiệp nặng về lao động khác sẽ tăng thêm thu nhập, trong khi một số ngành khác sẽ phải thu hẹp sản xuất, và giảm thu nhập. Tuy thường mở rộng thương mại hay tăng bất bình đẳng thu nhập (đặc biệt đây là vấn đề được quan tâm ở Mỹ), trong trường hợp của Việt Nam, vì những người được hưởng lợi ích sẽ là những người thuộc nhóm dưới của phân phối thu nhập, mình nghĩ TPP thực ra sẽ rút ngắn khoảng cách bất bình đẳng thu nhập thay vì nới rộng.

Ngoài ra, không nói về giữa các công nghiệp khác nhau, nội trong cùng một ngành sản xuất, sẽ có kẻ hơn người thua. Tuy nhiên, vì mình nghĩ sự thay đổi này sẽ không ở mức độ đủ lớn để chúng ta quan tâm, ít nhất là ở thời điểm hiện tại.

Những rào cản khỏi lợi ích từ TPP

Vì TPP vẫn còn rất bí mật, chúng ta chưa biết rõ được những điều được thỏa thuận là gì. Tuy vậy, dựa trên những gì đã được công bố rộng rãi bởi Wikileaks, có vẻ rằng TPP giống như một bản thỏa thuận về luật thương mại quốc tế giữa các nước thành viên hơn là tập trung vào giảm thuế quan rào cản như các vòng đàm phán thương mại trước đây. Điều này có ý nghĩa gì?

Đầu tiên, sẽ có khó khăn cho những nhà làm chính sách. Hai nhà kinh tế từng đoạt giải Nobel, Joseph Stiglitz và Paul Krugman, đã thể hiện mối lo về bản chất này của TPP. Họ lý luận rằng những thỏa thuận về tiêu chuẩn (về môi trường, sở hữu trí tuệ, bảo vệ đầu tư,…) này sẽ tăng khả năng của các công ty kiện tụng các chính phủ về những thay đổi của luật trong nước, vì vậy sẽ làm giới hạn khả năng thay đổi chính sách nội địa của Chính phủ các nước thành viên. Lấy ví dụ, khi mình đọc chương về luật bảo vệ đầu tư của TPP, có một điều luật rằng các nước thành viên không được đưa ra các chính sách nào đó mà giới hạn lượng vốn/tiền tệ chảy vào/ra Việt Nam dựa trên khối lượng sản xuất của các công ty nước ngoài được bảo về bởi TPP. Mình chưa rõ cụ thể điều này sẽ giới hạn gì, nhưng mình cảm thấy rằng Việt Nam sẽ phải thận trọng hơn rất nhiều khi đưa ra các chính sách điều khiển dòng vốn (capital flows) vào ra Việt Nam. (Nên lưu ý rằng đối với một nền kinh tế mới nổi, khả năng điều chỉnh dòng vốn này là một công cụ quan trọng để đề phòng tác hại của vấn đề đầu tư quá mức và sự đứt vốn đột ngột (sudden stop), tạo ra cú sốc cho nền kinh tế.)

Khó khăn thứ hai, thực tế hơn, bắt nguồn từ bộ phận sản xuất. Để một ngành được bảo về bởi TPP, sản xuất của họ phải theo những tiêu chuẩn của TPP. Hiện giờ chưa có dữ liệu cụ thể gì, nhưng chuyện nông dân, những doanh nghiệp vừa và nhỏ không có đủ nhân lực và trình độ để đảm bảo rằng công việc sản xuất của họ theo đúng tiêu chuẩn của TPP sẽ là một nguy cơ vô cùng lớn. Điều này giống như chúng ta đang ký một luật lệ mà chúng ta không biết mình có thể theo được hay không, cũng giống như vào tranh tài trong một trận đá banh mà những cầu thủ của đội ta không biết nên đá vào goal nào.

TPP và mục tiêu phát triển kinh tế lâu dài

Hãy điểm lại lý do tại sao chúng ta lại có những rào cản thương mại ngay từ đầu. Một nước cần rào cản thương mại để (1) tạo nguồn thu nhập cho chính phủ (ví dụ như nước Mỹ ngay sau cuộc cách mạng giành độc lập, chính phủ liên bang không được đánh thuế nên chỉ phải dựa vào thuế nhập khẩu), (2) giới hạn tiêu thụ của một số sản phẩm nhất định (giả dụ như chúng ta đánh thuế ô tô cao để tránh kẹt xe ở Tp HCM), và (3) để bảo vệ những ngành công nghiệp non trẻ, những ngành mà hiện vẫn đang phát triển, với hy vọng rằng những ngành công nghiệp này sẽ trở thành thế mạnh của chúng ta trong tương lai.

Rõ ràng rằng, một khi gia nhập TPP, chúng ta sẽ mở rộng sản xuất ở những ngành thế mạnh như dệt may (mình sử dụng dệt may vì đây là một ngành lớn hiện nay, và các nhà đàm phán TPP của Việt Nam luôn đem ngành dệt may ra làm ví dụ cho lợi ích khi tham gia TPP). Tuy nhiên, chúng ta phải suy nghĩ, chúng ta muốn mình mạnh về ngành nào trong 10, 20 năm sau này? Dệt may? Hay là ô tô, sản xuất chip máy tính, phần mềm?

Một số ngành trong này đang không phải là thế mạnh tương đối của Việt Nam, và sẽ gặp rất nhiều khó khăn một khi Việt Nam gia nhập TPP (trừ phi họ đa dạng hóa sản phẩm – một ý mình đề cập ở mục tiếp theo). Do đó, nếu Việt Nam muốn tiếp tục mạnh hơn nữa về dệt may trong tương lai, thì TPP sẽ là giải pháp hoàn hảo. Tuy nhiên, nếu Việt Nam muốn mình tập trung vào các công nghiệp hiện đại, công nghệ cao, thì mình không chắc TPP là một giải pháp tốt.

Thực ra mình hiện giờ không có một lý do tốt để giải thích tại sao Việt Nam không nên tập trung cho dệt may lâu dài, nên thảo luận của mình ở phần này sẽ dừng ở đây.

Chiến lược tốt nhất khi gia nhập TPP

Các doanh nghiệp nên làm gì để hưởng lợi tốt nhất từ TPP? Đối với các ngành lao động nặng như dệt may, có thể thấy rằng TPP là một điều lợi rõ ràng. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp khác kém rõ ràng hơn, giả như, công nghiệp phần mềm. Nói về công nghệ và phần mềm, chắc ai cũng đồng ý rằng chúng ta sẽ kém cạnh với những nước phát triển và thừa thãi nhân lực trình độ cao như Nhật và Mỹ. Liệu điều này có nghĩa rằng ngành phần mềm Việt Nam sẽ thua 100% khi Việt Nam gia nhập TPP? Không chắc.

Những nghiên cứu bởi Helpman và Krugman từ những năm 1980 đã cho thấy rằng trong cùng một ngành sản xuất, khi mở rộng thương mại, doanh nghiệp của cả hai nước có thể hưởng lợi ích từ thương mại nếu họ đa dạng hóa sản phẩm. Điều này có nghĩa là, ngành công nghiệp phần mềm của Việt Nam không nên tạo ra những phần mềm văn phòng để cạnh tranh với Microsoft Word, hay sản xuất một mắt kính thông minh như Google Glass, mà nên tập trung phát triển một sản phẩm nào đó khác biệt hơn, ví dụ như, một app về hẹn hò dành cho công nhân chẳng hạn. (Xin lỗi về một ví dụ quá tệ, nhưng nếu mình đã có một ý tưởng app tốt thì mình đã đang làm start up thay vì học kinh tế và ở đây ngồi gõ bài này…)

Do đó, theo mình, để hưởng lợi tốt nhất từ TPP, từ phía doanh nghiệp, đa dạng hóa sản phẩm là quan trọng nhất.

Kết luận

Để đưa ra một kết luận (có điều kiện), mình nghĩ rằng Việt Nam sẽ hưởng lợi ích từ việt tham gia TPP. Một bài nghiên cứu về tác động của TPP bởi Trung tâm Peterson về Kinh tế quốc tế (hơi random, nhưng mình mới biết rằng trung tâm này nằm ở Đại lộ Massachusetts, chỉ cách Harvard vài dặm) cho thấy rằng Việt Nam sẽ tăng thêm 46.1 đến 72.9 tỉ đô từ TPP cho đến năm 2025. Dĩ nhiên, con số dự đoán này, cùng với kết luận của mình, là dựa trên điều kiện rằng Việt Nam biết cách chơi, biết luật chơi, và chính phủ Việt Nam sẽ theo dõi và có chính sách hợp thời để giúp khu vực tư nhân hưởng lợi ích tốt nhất từ TPP. (Mình đã gợi ý một số vai trò của nhà nước trong bài post này).

Là một ý cuối cùng, các chuyên gia kinh tế trên báo chí Việt Nam thường kết luận bằng một câu quen thuộc: “Chúng ta đang đứng trước nhiều cơ hội, nhưng cũng đầy thách thức.” Mình thực ra không biết bao nhiêu người nghe xong sẽ biết rõ cơ hội gì, thách thức gì. Mình không dám kết luận rằng mình biết chắc cơ hội và thách thức của TPP là gì, nhưng mình hy vọng bài viết này sẽ làm rõ hơn một xíu về việc chúng ta nên nghĩ gì về TPP, thay vì chỉ dùng những từ chung chung – “cơ hội” và “thách thức”.

———–

11/10/2015
Vũ.

2 Bình luận

Bình luận về bài viết này